Tin tức / Tin hoạt động
Nâng cao vai trò của phụ nữ trong ứng phó BĐKH
Ngày đăng: 22/10/2018
Ngày 19/10, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Nữ Trí thức Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về Quản lý rủi ro thiên tai và Thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH ở khu vực châu Á – Thái Bình DƯơng và các giải pháp tăng cường vai trò của phụ nữ trong các vấn đề này, đặc biệt ở khía cạnh khoa học công nghệ.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

 

Sự kiện nằm trong khuôn trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNN) lần thứ 8 diễn ra từ ngày 18 – 20/10.

Theo các nghiên cứu về giới, phụ nữ đóng góp đáng kể cho công tác chuẩn bị, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai ở các quốc gia, bao gồm những người tiên phong, các tình nguyện viên, người dân cũng như các quan chức Chính phủ. Tuy vậy, vai trò của phụ nữ ít được thừa nhận và họ thường khó tiếp cận nguồn lực, phát triển kỹ năng, thông tin. Điều này tiếp tục hạn chế tiếng nói và tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong quá trình ra quyết định quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cả cấp độ khu vực, cấp quốc gia và quốc tế.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cụ thể là SDG1 về chấm dứt đói nghèo dưới mọi hình thức, SDG 13 về nâng cao tính chống chịu và tăng khả năng thích ứng chống lại thiên tai, SDG 5 về bình đẳng giới.

Khảo sát tại khu vực tái định cư của nhà máy thủy điện Trung Sơn cho thấy sự khác biệt giữa 2 giới. Phụ nữ lo lắng về ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí và các vấn đề về môi trường khi có nhà máy thủy điện, trong khi nam giới tập trung vào vấn đề đền bù giải tỏa, nhà ở, phương tiện đi lại.

Theo các đại biểu, để có kết quả quản lý rủi ro thiên tài và thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn, phụ nữ cần tiếp cận tài nguyên, tham gia và có tiếng nói hơn bao gồm chuẩn bị sẵn sàng, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và hỗ trợ xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng, góp phần vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững và các mục tiêu của Khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai 2015 – 2030.


GS Vishaka hidellage, Chủ tịch Hội nữ khoa học Sri-Lanka chia sẻ tại hội thảo

 

Nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á cho thấy, các quốc gia châu Á cần khoảng 1,7 nghìn tỷ đô la/năm cho hạ tầng cơ sở như cầu đường, công trình xây dựng… để duy trì tăng trưởng, trong đó, 16% chi phí dành cho thích ứng và giảm thiểu BĐKH.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các khu vực đồng bằng ven biển. Chính vì vậy, các chính sách trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tập trung phần lớn vào thích ứng và coi đây là yêu cầu bắt buộc để tồn tại. Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris hiện đã được Việt Nam triển khai rộng khắp ở tất cả các Bộ, ngành, điạ phương trong cả nước với 68 nhóm nhiệm vụ, ưu tiên thích ứng và hướng tới trách nhiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bắt buộc. Theo ông Tấn, khó khăn hiện nay là vấn đề nguồn lực thực hiện, làm thế nào để huy động khối tư nhân, giới khoa học cùng tham gia vào kế hoạch ở các cấp, các ngành.


Quang cảnh hội thảo

 

Tại hội thảo, các nhà khoa học nữ đại diện cho một số quốc gia châu Á - Thái bình Dương đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó BĐKH và tăng cường sự tham gia của phụ nữ, như Hệ thống tưới tiêu ở làng xã Sri Lanka, Hệ thống cảnh báo và sơ tán năng động ở Đài Loan; xây dựng các cây cầu ở Nepal trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đại diện Việt Nam trình bày một số nội dung như: Ứng dụng các giải pháp tổng hợp về khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu tác động và nguy cơ BĐKH ở VIệt Nam; Phát triển vật liệu nano tích hợp cho cây trồng nhằm ứng phó với BĐKH; nghiên cứu sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường với các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam; Môi trường làng nghề Việt Nam - thách thức và giải pháp; Xây dựng nguồn lực từ cộng đồng trong các dự án phát triển bền vững… Các bài trình bày đã thể hiện các phương thức tiếp cận từ quan điểm của phụ nữ trong khoa học và công nghệ trong khu vực để tiếp tục xây dựng khả năng phục hồi ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Khánh Ly

Các tin khác