Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Quyền và nghĩa vụ của Việt Nam khi phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và đánh giá tác động chính trị, kinh tế - xã hội và các tác động khác
Ngày đăng: 05/10/2018
Ngày 15 tháng 10 năm 2016, tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal. Thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC sẽ giúp trái đất tránh gia tăng 0,5oC vào năm 2100. Hiện nay, Ban Thư ký ô-dôn đang kêu gọi các nước thành viên tham gia phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal.

      Cho đến nay đã có 40 nước thành viên Nghị định thư Montreal phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Việt Nam coi vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn, đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc để ứng phó. Tham gia và thực hiện đầy đủ Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, vì vậy sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng tình thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và người dân. Theo quy định của Nghị định thư Montreal, Việt Nam là nước đang phát triển nên có quyền được nhận hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để loại trừ các chất HFC, đảm bảo khả năng tuân thủ các biện pháp kiểm soát và loại trừ các chất HFC.

       Các quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali

      Bản sửa đổi, bổ sung Kigali nếu được thực hiện nghiêm chỉnh sẽ rất có lợi cho Việt Nam trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali cũng củng cố, tăng cường các cơ chế và chương trình làm việc trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal, tạo thêm cơ hội về tài chính, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác.

        Việt Nam sẽ được tiếp cận và sử dụng các hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực để thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện theo yêu cầu của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, góp phần tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế thông qua áp dụng công nghệ mới, ít phát thải khí nhà kính.

         Là nước đang phát triển, Việt Nam được thực hiện lộ trình loại trừ các chất HFC sau 10 năm so với các nước phát triển, cụ thể:

             - 2024 đến 2028: sửdụng 100% mức tiêu thụ cơ sở;

             - 2029 đến 2034: sửdụng 90% mức tiêu thụ cơ sở;

             - 2035 đến 2039: sửdụng 70% mức tiêu thụ cơ sở;

             - 2040 đến 2044: sửdụng 50% mức tiêu thụ cơ sở;

             - Từ 2045: sửdụng 20% mức tiêu thụ cơ sở.

        Các nghĩa vụ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.

        Phải thiết lập hệ thống cấp phép xuất, nhập khẩu các chất HFC được điều chỉnh, bao gồm các chất HFC mới, đã qua sử dụng, thu hồi và tái sinh vào ngày 01 tháng 01 năm 2019 hoặc chậm nhất vào ngày 01 tháng 01 năm 2021.

        Phải báo cáo số liệu tiêu thụ các chất HFC trong các năm 2020 - 2022.

        Không được xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán các chất HFC với các nước không là thành viên của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.

       Phải sử dụng giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu quy định trong các phụ lục C và F của Nghị định thư Montreal để tính mức tiêu thụ và phát thải các chất HFC và HCFC, quy đổi sang CO2 tương đương.

Nguồn: Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT