Tin tức / Tin hoạt động
Việt Nam mong muốn cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm ứng phó với BĐKH
Ngày đăng: 10/10/2018
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc tiếp ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC). Tham dự buổi tiếp có sự tham dự của đại diên Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu,...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC

 

IPCC do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) thành lập.

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Hoesung Lee cho biết, Hội nghị COP 21 đã thông qua Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu “giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở mức thấp hơn đáng kể so với 2 độ C và nỗ lực để giới hạn mức tăng nhiệt độ đến 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp”. Tiếp đó, IPCC đã được mời xây dựng và hoàn thành “Báo cáo đặc biệt về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các cách thức liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu” trong năm 2018 (Báo cáo 1,5 độ C).

Trong thời gian qua, IPCC đã cùng các nhà khoa học trên thế giới nỗ lực xây dựng Báo cáo 1,5 độ C, đã hoàn thành vào đầu tháng 10/2018, được các bên xem xét vào ngày 8/10 tại Hàn Quốc. IPCC chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới để giới thiệu Báo cáo 1,5 độ C ngay sau cuộc họp tại Hàn Quốc.

Đề cập đến một số nội dung cơ bản của Báo cáo đặc biệt về tác động của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và khuyến nghị cho Việt Nam, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho rằng, việc trái đất tăng 1,5 độ C sẽ vẫn là nguy hiểm đối với các nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và dễ bị tổn thương như Việt Nam.

“Chúng tôi tin tưởng những kết quả nghiên cứu khoa học, bài bản của IPCC sẽ góp phần giúp các quốc gia trong quá trình hoạch định chính sách, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các nước chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hâu như Việt Nam”, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee nói.

Chủ tịch IPCC cho rằng, Việt Nam nên chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế ít phát thải carbon, trong đó có việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo. Trong khi đó, nguồn lực cho phát triển kinh tế ít phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp. Đề nghị Việt Nam có chính sách thúc đẩy sự tham gia của khối doanh nghiệp vào ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với Chủ tịch IPCC ông Hoesung Lee về vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam và toàn cầu

 

Phát biểu tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao IPCC và cá nhân Chủ tịch Hoesung Lee vì những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Phó Thủ tướng khẳng định, các nghiên cứu, khuyến nghị của IPCC luôn được Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học sử dụng một cách hiệu quả trong xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách, chiến lược, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với Báo cáo 1,5 độ C của IPCC, Phó Thủ tướng sẽ giao cho các cơ quan của Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu một cách phù hợp để triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam gồm các nhà khoa học đầu ngành về biến đổi khí hậu đã xây dựng các báo cáo khoa học như kịch bản biến đổi khí hậu, báo cáo đặc biệt về cực đoan khí hậu; hỗ trợ xây dựng các chiến lược và chính sách về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hy vọng rằng các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về biến đổi khí hậu sẽ có đóng góp tích cực cho Báo cáo lần thứ 6 của IPCC; đề nghị IPCC chia sẻ những kinh nghiệm để theo dõi giám sát tổn thất thiệt hại do biến đổi khí hậu trên toàn cầu và chia sẻ kinh nghiệm giám sát tốt hơn vấn đề này trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã rất tích cực, trách nhiệm trong việc cam kết và thực hiện các cam kết quốc tế giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu đồng thời với việc phê duyệt Thoả thuận Paris; rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định để hoàn thiện nộp trước COP25 năm 2019 cũng như thực hiện đầy đủ các quy định về Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.

“Là một quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu vì vậy Việt Nam đã hết sức chủ động tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai công tác ứng phó biến đổi khí hậu trong nước. Tuy nhiên, nỗ lực của riêng Việt Nam là không đủ, Việt Nam mong muốn các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển và các tổ chức khác thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình”, Phó Thủ tướng nói.

Cục BĐKH

Các tin khác