Tin tức / Tin hoạt động
Sự kiện và bình luận - Chống biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 07/10/2018
Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học. Năm 2016, 11/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai do xuất hiện hạn mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua. Mỗi năm có 300 ha đất đai lãnh thổ mất đi do sạt, lụt, lở cùng với đó là nước mặn, nước lợ gia tăng, sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới sinh kế của người dân. Việt Nam đang ở đâu trong cuộc chiến chống lại sự tác động tiêu cực của thiên nhiên và biến đổi khí hậu tới cuộc sống con người và tiếp tục phải làm gì để hạn chế tối đa những hậu quả xảy ra. Sự kiện và bình luận-Chống biến đổi khí hậu với sự tham gia của hai vị khách mời Ông Bruno Angelet, Đại sứ-Trưởng phái đoàn liên minh EU tại Việt Nam và TS. Tăng Thế Cường

TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường


Những năm gần đây biến đổi khí hậu không còn là khái niệm xa xôi chỉ thấy trong những bộ phim giả tưởng của Holiwood về các hiện tượng thời tiết cực đoan, những diễn biến bất thường của thời tiết hay tình trạng nước biển dâng, sạt lở nghiêm trọng của thời tiết đã xảy ra và ít nhiều đem đến những hậu quả cho các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. 

Thời tiết nước ta ngày càng bất thường và khó dự báo, hạn hán, lũ lụt, sạt lở, mưa bão diễn ra nhiều nơi với mức độ tàn phá khủng khiếp gây thiệt hại nặng nề đến đời sống, sản xuất. Tính từ đầu năm 2018 đến nay thiên tai đã khiến 175 người thiệt hại mất tích mà phần lớn thiệt hại là do mưa lũ ở phía bắc. Thiên tai xảy ra không chỉ bất ngờ, bất thường mà còn tạo ra những kỷ lục chưa từng có: Năm 2015: lũ trên sông Cửu Long hậu thấp chưa từng thấy, hậu quả kéo dài sang 2016 nơi đây trải qua mùa hạn mặn kỷ lục cả trăm năm mới gặp; Tháng 1/2016 Bắc Bộ, Bắc Trung bộ rét kỷ lục:  11 tỉnh thành có tuyết phủ trắng xoá ở các tỉnh vùng cao bao gồm cả Ba Vì Hà Nội; Tháng 6 năm 2017 Bắc Bộ xuất hiện nắng nóng lịch sử, riêng Thủ đô Hà Nội trong 03 ngày thấp kỷ lục về nhiệt độ liên tiếp bị xô đổ, 4/6: ở Hà Nội đạt mốc nhiệt độ kỷ lục 42,5 độ; Cung năm đó tháng 8, tháng 10 liên tiếp là những đợt lũ lụt, sạt lở kinh hoàng ở nhiều nơi như Mù Căng Chải, Yên Bái, Mường La, Sơn La, Tân lạc, Hoà Bình tan hoang sau mưa lũ; Mùa bão năm 2017 lần đầu tiên trong lịch sử biển Đông có số lượng bão kỷ lục tới 20 cơn. Ông Bruno Angelet cho biết: Có thể nói rằng có bằng chứng khoa học và không thể phủ nhận được, có nhiều hệ quả đã xảy ra, Châu Âu, các thảm thực vật và loài động vật đang dần biến mất do biến đổi khí hậu và hàng năm chúng tôi chứng kiến những kỷ lục mới từ 2013 có thể thấy đợt nóng kỷ lục và lo lắng về những năm sau. Ông cho biết thêm: Cộng đồng các nước đã có nhận thức và đã đưa ra kế hoạch tới 2020 giảm 20% lượng phát thải CO2, tăng cơ cấu của năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng của chúng tôi lên 20% tổng năng lượng, và 2020 cũng phải tăng hiệu quả sử dụng năng lượng lên 20%. Chúng tôi đã vượt qua cả 03 mục tiêu này và đến Hội nghị Paris chúng tôi đạt mục tiêu tới 2030 chúng tôi sẽ giảm hơn nữa thậm chí tới 2050 phải giảm 80% lượng phát thải CO2.

Ông Tăng Thế Cường Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ tới đất nước chúng ta. Riêng 2017 Việt Nam xuất hiện tất cả các loại hình thiên tai trừ sóng thần. Chúng ta có thể thấy các hiện tượng tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất hiện hữu. Trong những năm gần đây số liệu quan trắc ở hầu hết các dải ven biển nước ta cho thấy có xu thế tăng với mực nước trong 20 năm tăng trung bình khoảng 3,34mm mỗi năm. Như vậy mực nước biển dâng, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đã hiện hữu từ miền núi, miền đồng bằng, các tỉnh ven biển và đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Theo các nghiên cứu và kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam trong thời gian tới các hiện tượng cực đoan về thiên tai, khí hậu và nước biển dâng còn gia tăng, chúng ta phải nghiên cứu để có những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 2016, trong vòng 1 thế kỷ, nhiệt độ trung bình của đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng từ 2,5oC đến 3,7oC, nước biển dâng cao 0,8-1m và có khoảng 40% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long bị nước biển nuốt gọn. Tình trạng sạt lở hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây là nơi sản xuất lương thực lớn của cả nước và xuất khẩu ra thế giới. ĐBSCL chiếm 12% diện tích của cả nước, 20% dân số nước ta, đây là nơi nhạy cảm với biến đổi khí hậu, chịu tác động kép bởi biến đổi khí hậu và các nước xây dựng đập thuỷ điện trên thượng nguồn. Nếu các đập thuỷ điện trên thượng nguồn được xây dựng thì lượng nước giảm đi 30% vào mùa lũ so với trước đây, mất đi khoảng 65% lượng phù sa trong tương lai gần và 90% lượng phù sa trong tương lai xa. Sau Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu  Long và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm của Nghị quyết hướng tới tầm nhìn dài hạn từ nay tới 2100 và chia các giai đoạn phân kỳ khác nhau, trước năm 2020 sẽ làm gì, gia đoạn 2021-2030 sẽ làm gì, 2031-2050 sẽ làm gì và định hướng tới 2100 sẽ làm gì để đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Những năm qua trong cuộc chiến chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có sự hỗ trợ của các nước Châu Âu, trong đó hỗ trợ tập trung vào ngành năng lượng giúp tạo ra nguồn năng lượng sạch hơn, rẻ hơn, 60% nguồn ngân sách hỗ trợ tài chính tới 2020 của EU là dành cho chương trình năng lượng. Ngoài ra EU hỗ trợ dự án tấm năng lượng mặt trời ở Đà Nẵng và Gia Lai; tài trợ  nghiên cứu chống xói mòn bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay EU đang xem xét hỗ trợ cơ sở hạ tầng để chống lại mực nước biển dâng.

 

Đồng bằng sông Cửu Long thì chịu tác động nhiều bởi biến đổi khí hậu, và chịu rủi ro nhiều, cùng Pháp tài trợ cho nghiên cứu khoa học đánh giá tác động của sạt lờ xói mòn của Cà Mau, Tiền Giang, Quảng Nam. Kết quả các nghiên cứu quan trọng và đã hiểu được về hiện tượng sạt lở xói mòn. Nguyên nhân là từ con người, rừng đước bị phá huỷ trong 20 năm qua, khu vực gần bờ biển và cồn cát càng ngày càng bị biến mất vì các dự án thực hiện, sử dụng nước trong lòng đất nhiều làm mất dần lượng đất trong lòng đất. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng cây cầu gây ảnh hưởng tới sự dịch chuyển của bùn, trầm tích trong lòng đất. Việc xây dựng đập nước ở thượng nguồn khu vực đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới bồi đắp trầm tích, tác động mực nước. Các hoạt động đào cát, khai thác cát là một vấn đề.

Giải pháp cần phải làm cấp thiết để đảm bảo giảm thiểu tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long đó là chúng ta cần một chiến lược toàn diện, cần xác định giữa các khoản đầu tư để xử lý các vấn đề do con người gây ra và những vấn đề dài hạn hơn do tác động của biến đổi khí hậu xử lý các vấn đề khác nhau. Ngoài ra chúng ta cần nguồn đầu tư công tốt để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cần kế hoạch cụ thể để xử lý các vấn đề cụ thể.

Ông Tăng Thế Cường cho biết thêm về thách thức lớn nhất trong quá tình ứng phó BĐKH tại khu vực bằng sông Cửu Long: Theo Thống kê của Chính phủ đồng bằng sông Cửu Long có 47 điểm sạt lở nguy hiểm. Tại cuộc họp tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh ĐBSCL, TTg đã quyết định đầu tư 1.500 tỷ để giải quyết ngay 17/42 điểm sạt lở nguy hiểm và đưa vào kế hoạch trung hạn 1.000 tỷ để giúp các tỉnh ĐBSCL ứng phó với tình hình sạt lở. Đối với Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp tổng thể: (i) Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách liên quan tới phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long; (ii) Cập nhật, hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; (iii) Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; (iv) Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó xác định các mô hình chuyển đổi quy mô lớn phù hợp với đặc điểm sinh thái, con người, điều kiện tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.


Chương trình Sự kiện và Bình luận về Biến đổi khí hậu

 

 

Ông Bruno Angelet cho biết thêm: khi nói tới tương lai của đồng bằng sông Cửu Long, cần có sự hợp tác trong khu vực. Là một thành viên của vùng đồng bằng sông Mê Công, Việt Nam có cơ hội tiếp cận các vấn đề lớn tại khu vực. Việc triển khai cụ thể ở địa phương còn nhiều điều phải bàn đến và thực thi như thế nào. Tiếp cận toàn diện là quan trọng, không chỉ là vấn đề về ngân sách mà cả hành vi, tư duy hành động, trước khi đầu tư tiền vào cơ sở hạ tầng. Thông qua những nghiên cứu, chúng tôi có tài trợ về cơ sở hạ tầng như hỗ trợ cho 3 tỉnh mà EU đã nghiên cứu. Điều quan trọng là phải giảm bớt phát thải khí CO2, là một người bạn của Việt Nam chúng tôi thấy rằng đây là một thách thức lớn, cần phải chuyển đổi sản xuất năng lượng gây ô nhiễm môi trường sang năng lượng xanh hơn; thân thiện môi trường hơn và tăng cường năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, hướng tới ngành năng lượng hiện đại hơn và xanh hơn. Việt Nam đã có cam kết trong COP 21 và hy vọng sẽ thực hiện được cam kết của mình.

Cục BĐKH

Các tin khác