Tin tức / Tin hoạt động
Thảo luận cấp cao về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu Châu Âu tại Việt Nam
Ngày đăng: 28/09/2018
Ngày 28/9, tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về biến đổi khí hậu. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cấp thiết trong việc cùng hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và cập nhật tình hình triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.

Tham dự có ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc - Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; ông Bruno Angelet, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc tổ chức Sáng tạo xanh (GreenID); cùng đại diện các cơ quan Chính phủ, các trường đại học, các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại buổi thảo luận

 

Việt Nam tích cực triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Phát biểu tại buổi thảo luận, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và vẫn có nhu cầu sử dụng các nguồn nhiên liệu lớn cho toàn bộ nền kinh tế, đồng nghĩa với việc phát thải khí nhà kính sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, để chung tay với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã cam kết cắt giảm ít nhất 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường vào năm 2030 và có thể lên tới 25% khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Các cam kết nêu trên và các biện pháp thực hiện cắt giảm phát thải đã và đang được rà soát, cập nhật nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp chung với cộng đồng quốc tế trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: “Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý, năng lực kỹ thuật, cơ chế phối hợp nhằm giải quyết các hạn chế trong việc triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề: Thứ nhất, ban hành mới và bổ sung các chính sách cấp chính phủ, cấp ngành và địa phương để sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý và quy định rõ trách nhiệm cho các Bộ, ngành và địa phương đối với việc thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; Thứ hai, thúc đẩy hợp tác trong khu vực, hợp tác quốc tế và tận dụng nhiều phương thức tiếp cận các nguồn tài chính - kỹ thuật nhằm giải quyết những hạn chế về năng lực, tài chính và công nghệ; Thứ ba, thực hiện các định hướng mới trong việc tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được hiệu quả và tính bền vững cao hơn; Thứ tư, tăng cường sự tham gia, vai trò của khối tư nhân, cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội vào việc huy động nguồn lực, tăng cường năng lực và thực thi các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; Thứ năm, chuẩn bị sẵn sàng cho việc xây dựng và vận hành thị trường các-bon trong nước, kết nối với các thị trường các-bon trong khu vực, trên thế giới và tham gia thị trường toàn cầu trong thời gian tới.


Ông Kamal Malhotra, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi thảo luận

 

Trao đổi về tình hình triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, sau khi Thỏa thuận Paris được các nước ký kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam vào tháng 10/2016. Cho đến nay, các Bộ, ngành và gần 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của địa phương.

 

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và các đối tác quốc tế để triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris. “Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác phát triển rà soát, cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và xây dựng Nghị định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thực hiện các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.” - Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nói.


Đại sứ EU Bruno Angelet phát biểu tại buổi thảo luận

 

Hợp tác cùng ứng phó với biến đổi khí hậu

Đề cập đến tầm quan trọng của sự hợp tác cùng ứng phó biến đổi khí hậu, ông Kamal Malhotra, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được 196 quốc gia đồng thuận thông qua vào năm 2015 là bước tiến quan trọng, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức tài chính quốc tế, khối doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự.

 

“Tiến trình thực hiện Thỏa thuận Paris đòi hỏi những hành động cụ thể, giải pháp thiết thực và tăng cường chia sẻ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các bên. Làm sao để huy động càng nhiều nguồn lực và các ý tưởng sáng tạo, giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu nhanh hơn, mạnh mẽ hơn; đồng thời giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương tăng sức chống chịu với biến đổi khí hậu.” - Ông Kamal Malhotra chia sẻ.

 

Ông Kamal Malhotra cho biết, Chương trình nghị sự 2030 đã đề ra các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nhiều nội dung có thể lồng ghép, hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris. Các cam kết giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu có thể đạt được khi có lộ trình rõ ràng cả về hành động và chính sách, thông qua các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế các-bon thấp.

 

TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu trao đổi với các đại biểu tại phiên tọa đàm

 

Chia sẻ về kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu, Đại sứ Bruno Angelet cho biết, trong gần 30 năm trở lại đây, các nước thành viên EU đã vượt ra ngoài vòng quay kinh tế thông thường. Các nước EU đã tập trung thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải CO2 của các ngành công nghiệp, tái sử dụng và tái chế tối đa các chất thải, nước thài, cải thiện công nghệ và tài trợ cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo…

“Điều đó đã giúp giá thành sản xuất ra 1 kwh điện mặt trời ở Châu Âu rẻ hơn giá thành sản xuất ra 1 kwh từ nhiệt điện than. Cùng với đó, GDP không ngừng tăng cho thấy giảm phát thải khí nhà kính không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Nỗ lực của EU đã vươn ra các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ của EU với Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt thúc đẩy quá trình cải cách chính sách năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Điều này rất quan trọng bởi năng lượng là tiền đề của tăng trưởng kinh tế và cũng là nguồn phát thải lớn nhất.” - Ông Bruno Angelet nhấn mạnh.

Đề cập đến vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID cho rằng, vai trò lớn nhất chính là hỗ trợ tuyên truyền và thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay thực hiện các sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu. “Hoạt động của các tổ chức có thể ở nhiều cấp độ khác nhau, nhưng nhìn chung là kết nối với các bên đối tác để thúc đẩy các sáng kiến tốt nhất cho cộng đồng.” - bà Ngụy Thị Khanh chia sẻ.

CTTĐT

Các tin khác