Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Thứ trưởng Lê Công Thành tiếp thư ký điều hành ban thư ký nghị định thư MONTREAL
Ngày đăng: 17/09/2018
Ngày 14/9, bên lề Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã có buổi tiếp và làm việc với Bà Tina Birmpili, Thư ký điều hành Ban thư ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Tham dự buổi tiếp về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Về phía Ban thư ký Nghị định thư Montreal có đại diện Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UN Environment); Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO)…

Thứ trưởng Lê Công Thành tiếp Bà Tina Birmpili, Thư ký điều hành Ban Thư ký Nghị định thư Montreal

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh và cảm ơn Bà Tina Birmpili, Thư ký điều hành Ban Thư ký Nghị định thư Montreal cùng đại diện Cơ quan thực hiện Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal đã đến thăm Việt Nam và tham dự Lễ Kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2018. Thứ trưởng cũng cảm ơn Ban thư ký đã hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal.

Trao đổi về tình hình Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Trong 24 năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal, tích cực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ô-dôn và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01/01/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp từ ngày 01/01/2015, qua đó đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Đối với chất Methyl Bromide đã được cấm sử dụng cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu ở Việt Nam kể từ ngày 01/01/2015. Từ tháng 9/2018, Việt Nam bắt đầu triển khai dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở.

 Cảm ơn sự đón tiếp của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thứ trưởng Lê Công Thành, bà Tina Birmpili đánh giá cao sự cam kết và các hành động của Việt Nam nhằm thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong thời gian qua.

Toàn cảnh buổi làm việc

Ghi nhận những nội dung đề xuất hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Ban Thư ký Nghị định thư Montreal, bà Tina Birmpili cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực thực hiện Nghị định thư Montreal ở Việt Nam. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện để các quốc gia tham gia Nghị định thư hợp tác, liên kết và chia sẻ thông tin các hoạt động thực hiện Nghị định thư; tạo điều kiện trao đổi chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam với các nước thành viên khác tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Bà Tina Birmpili cũng cho biết, tại Khóa họp lần thứ 28 của các bên tham gia Nghị định thư Montreal vào tháng 10 năm 2016, các nước đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali để kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Các chất HFC không phải là chất làm suy giảm tầng ô-dôn; tuy nhiên, đây là những chất có tiềm năng cao gây nóng lên toàn cầu. Hiện nay đã có 44 quốc gia phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Trao đổi với bà Tina Birmpili, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal và sẽ sớm phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến tham vấn các Bộ, ngành liên quan về Bản sửa đổi bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC để xem xét, tổng hợp và trình Chính phủ xem xét và phê duyệt sớm Bản sửa đổi bổ sung Kigali.

Cục BĐKH, Bộ TNMT