Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì có bà Akiki Fujii, Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam; ông Jorg Ruger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phụ trách về môi trường; ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý từ các Bộ ngành, địa phương, đại diện các đại sứ quán, đối tác phát triển tại Việt Nam.
NDC của Việt Nam: Sẵn sàng cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch, có định lượng về nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động ứng phó với BĐKH
Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH), các quốc gia phải cập nhật 5 năm một lần Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm xác định cam kết của mình, thể hiện nỗ lực cao nhất để góp phần giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 độ C, hướng tới 1,5 độ C vào cuối thế kỉ. Do tầm quan trọng của việc thực hiện NDC đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các Bộ, ngành và các bên liên quan rà soát, cập nhật NDC phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia; chuẩn bị thông tin phục vụ đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2018.
Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, trong thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành cùng các đối tác phát triển, đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực tích cực rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Đến nay đã có kết quả cập nhật theo các nhóm lĩnh vực đưa ra tham vấn đối với dự thảo báo cáo kỹ thuật ban đầu.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, việc rà soát cập nhật NDC của Việt Nam cho các hợp phần NDC bao gồm: hợp phần giảm nhẹ, hợp phần thích ứng; làm rõ thêm đóng góp của Việt Nam đối với nội dung tổn thất và thiệt hại. Đặc biệt, trong lần rà soát, cập nhật NDC lần này, nội dung mới về áp dụng mô hình đánh giá tác động của các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; đánh giá đồng lợi ích cũng được nghiên cứu để tổng hợp xem xét đưa vào báo cáo chung cập nhật NDC của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết, để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm tư vấn về giảm nhẹ, thích ứng, tổn thất thiệt hại, đánh giá đồng bộ lợi ích, mô hình đánh giá tác động của các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cũng đã được huy động, phối hợp với Tổ công tác trong việc rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Cho đến nay, dự thảo báo cáo ban đầu đối với những hợp phần đã được hoàn thành.
Thứ trưởng khẳng định sự tích cực và chủ động của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH, trong đó, với vai trò một nước đang phát triển là thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam sẵn sàng cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch, có định lượng về nỗ lực của mình trong việc chủ động ứng phó với BĐKH. Chính vì vậy, tại Hội thảo tham vấn này, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các đại biểu tham dự tập trung góp ý đối với các nội dung rà soát và cập nhật NDC của Việt Nam, đặc biệt về các nội dung giảm nhẹ, thích ứng, đồng lợi ích trong NDC, những cơ hội, thách thức, giải pháp triển khai thực hiện NDC của Việt Nam và các bước triển khai tiếp theo về rà soát, cập nhật NDC.
Các Bộ, ngành liên quan, giới nghiên cứu, báo chí và các tổ chức dân sự, đặc biệt là khối tư nhân có vai trò quan trọng đóng góp cho NDC
Theo bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, vai trò của các Bộ, ngành liên quan, giới nghiên cứu, báo chí và các tổ chức dân sự rất quan trọng trong việc đóng góp, đánh giá cho Báo cáo kỹ thuật về rà soát và cập nhật NDC của Việt Nam, đặc biệt là huy động sự tham gia tích cực của khối tư nhân. Hiện nay, UNDP đang tiếp tục có kế hoạch phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ liên quan trong việc nâng cao năng lực đánh giá Báo cáo kỹ thuật về rà soát và cập nhật NDC của Việt Nam.
Nhiều điểm mới so với báo cáo NDC của Việt Nam lần thứ nhất
Tại Hội thảo, Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu đã trình bày tổng quan và những điểm mới trong Báo cáo rà soát và cập nhật NDC của Việt Nam. Theo đó, những điểm mới của báo cáo lần này so với báo cáo NDC của Việt Nam lần thứ nhất là đã bổ sung vào cấu trúc báo cáo các phần về sự phát triển Cacbon thấp chống chịu khí hậu một cách hài hòa và đồng lợi ích (phát triển, thích ứng, giảm nhẹ); làm rõ sự tham gia của các bên, sự đồng thuận; số liệu, phương pháp cập nhật; đánh giá tác động đến kinh tế-xã hội; phân tích tài chính khí hậu, tổn thất và thiệt hại, hệ thống đo đạc, báo cáo và kiểm chứng (MRV) và ý nghĩa của báo cáo ở tầm quốc gia và quốc tế.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo
Năm 2014 là năm cơ sở để kiểm kê phát thải khí nhà kính của Việt Nam
Để rà soát, cập nhật hợp phần giảm phát thải trong NDC, các chuyên gia lựa chọn năm 2014 là năm cơ sở để kiểm kê phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong các lĩnh vực phát thải chính, gồm: năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, chất thải, lâm nghiệp và sử dụng đất. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, từ việc tính toán chi phí và tiềm năng giảm nhẹ của từng lĩnh vực, Tổ công tác xây dựng 28 phương án giảm nhẹ khí nhà kính (KNK) trong lĩnh vực năng lượng; 04 phương án giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực công nghiệp; 15 phương án giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực nông nghiệp; 10 phương án giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực chất thải; 14 phương án giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và đề xuất các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã xây dựng kịch bản giảm nhẹ cho các lĩnh vực giai đoạn 2020-2030, đồng thời phân tích, so sánh đánh giá nỗ lực quốc gia thực hiện, khả năng thực hiện đạt mục tiêu giảm 8% lượng phát thải KNK đến năm 2030, và giảm 25% trong trường hợp có hỗ trợ quốc tế.
Thích ứng là yêu cầu bắt buộc để tồn tại
Đề cập tới những thuận lợi và khó khăn trong quá trình rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn cho biết, Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương, chịu nhiều tác động bất lợi của BĐKH, do vậy Việt Nam coi thích ứng là yêu cầu bắt buộc để tồn tại. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong công tác phòng, tránh thiên tai, đã xác định và triển khai các chương trình, dự án trong phòng chống thiên tai, bảo đảm sinh kế; có đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu ở mọi cấp; có sự chỉ đạo rõ ràng, nhất quán của Ủy ban Quốc gia biến đổi khí hậu ngay từ sau COP 22 năm 2016; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự tham gia trực tiếp của Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia biến đổi khí hậu...
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tấn cũng cho biết, việc xác định phạm vi hoạt động thích ứng vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất trong nước và toàn cầu. Việc xử lý vấn đề thích ứng đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi cơ cấu nguồn lực toàn cầu cho BĐKH lại rất ít. Bên cạnh đó, nội dung thích ứng với BĐKH là nội dung lớn, phức tạp, liên quan đến trách nhiệm, hoạt động của hầu hết các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các đối tượng khác.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tại hội thảo các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ, góp ý các vấn đề kĩ thuật đối với hợp phần giảm nhẹ và thích ứng; hệ thống minh bạch trong giảm phát thải khí nhà kính thực hiện NDC của Việt Nam nhằm hoàn thiện Báo cáo kỹ thuật về rà soát và cập nhật NDC của Việt Nam.
Dự kiến, bản NDC cập nhật sẽ được hoàn thành trong năm 2019
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn những ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu tham dự Hội thảo. Tiếp thu các ý kiến góp ý đó, Thứ trưởng đề nghị Tổ công tác rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp để triển khai các công việc tiếp theo. Dự kiến, bản NDC cập nhật sẽ được hoàn thành trong năm 2019. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, NDC của Việt Nam sẽ đệ trình lên Ban thư ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH trước tháng 3/2020.
CTTĐT