Tin tức / Tin hoạt động
Thực hiện công ước khí hậu và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Ngày đăng: 04/09/2018
Ngày 31/8, tại Thành phố Đà Lạt, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Thực hiện công ước khí hậu và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các địa phương cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Hội thảo do Tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; Ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng; Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu; Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện các Sở:

Bàn chủ tọa Chủ trì hội thảo

Hội thảo nhằm giới thiệu Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và vấn đề đặt ra cho các địa phương; Hài hòa và đồng lợi ích của các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; Giới thiệu các Báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam cho Công ước khí hậu; Đề xuất cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Lâm Đồng và xin ý kiến tham vấn của các Sở, ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

TS.Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS.Tăng Thế Cường cho biết, Việt Nam với vai trò là một Bên tham gia Công ước khí hậu, đã xây dựng và đệ trình cho Ban Thư ký Công ước các Thông báo quốc gia lần thứ nhất năm vào 2003, Thông báo quốc gia lần thứ hai vào năm 2010, Báo cáo hai năm một lần lần thứ nhất vào năm 2014, Báo cáo hai năm một lần lần thứ hai vào năm 2017. Dự kiến Thông báo quốc gia lần thứ ba sẽ được hoàn thành và đệ trình Ban Thư ký Công ước khí hậu vào cuối năm 2018. Các cam kết quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là một trong những nội dung cần đưa vào các Báo cáo quốc gia. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1670/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Trong đó, một trong các nhiệm vụ đối với các địa phương trong giai đoạn này là cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đánh giá khí hậu. ”Hội thảo là cơ hội hợp tác chặt chẽ giữa Trung Ương và địa phương để trao đổi, thảo luận các phương thức nhằm tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản”.- TS. Tăng Thế Cường nhấn mạnh.

Hội thảo cũng được nghe bài trình bày của GS.TS.Trần Thục giới thiệu Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cho Công ước khí hậu và các vấn đề đặt ra cho các địa phương. GS.TS Trần Thục cho biết: ”BĐKH là do con người gây ra và con người hoàn toàn có thể làm chậm quá trình này. Nhiều người nghĩ Việt Nam là nước nhỏ, nước đang phát triển nên ít gây ra BĐKH. Thực tế, Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về tổng lượng phát thải. Và theo Thỏa thuận Paris về BĐKH, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác sẽ bắt buộc phải cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính. Không còn ranh giới giữa nước phát thải ít – phát thải nhiều mà tất cả phải cùng cố gắng”. GS.TS. Trần Thục khẳng định: Để giải quyết được các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, chúng ta cần xác định xem: Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta muốn đi đâu? Bằng cách nào chúng ta đến được đó?. GS.TS. Trần Thục đánh giá cao vai trò của địa phương trong việc góp phần thực hiện các Công ước khí hậu, Đóng góp do quốc gia tự quyết định, Kế hoạch thích ứng quốc gia… và nhấn mạnh rằng: các địa phương cần thực hiện các chủ trương, chính sách, Nghị quyết Đảng, Quốc hội và Chính phủ xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp tại địa phương; kiện toàn cơ cấu tổ chức; Điều phối và lồng ghép Biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển của địa phương; xây dựng bộ tiêu chí xác định dự án thích ứng biến đổi khí hậu và phối hợp thực hiện kiểm kê KNK, quản lý hoạt động giảm nhẹ KNK tại địa phương; nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và nhận thức về biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những khó khăn, thách thức mà các địa phương đang phải đối mặt để thực hiện các nhiệm vụ về thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó các vấn đề chủ yếu mà các địa phương quan tâm bao gồm: nguồn tài chính hỗ trợ các địa phương thực hiện các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu; nguồn thông tin, tài liệu liên quan đến biến đổi khí hậu phục vụ cho các lớp tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và trách nhiệm của các ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ, người dân địa phương trong kế hoạch thực hiện các công ước khí hậu và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS.Tăng Thế Cường khẳng đinh, công tác ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề cần được thực hiện tích cực và lâu dài. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề mới so với các lĩnh vực khác nên cần có thời gian hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật để hỗ trợ thực hiện. Cục Biến đổi khí hậu đang nỗ lực phối hợp với các Bộ, Ban ngành hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật, quy định, văn bản hướng dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này. Trong thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khu vực Tây nguyên xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và có chiến lược lâu dài thực hiện các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, tăng sức chống chịu biến đổi khí hậu, bền vững sinh kế cho khu vực Tây nguyên.

Cục BĐKH

Các tin khác