Tại hội thảo, các tham luận đều khẳng định, BĐKH là một trong những vấn đề “nóng” trên nhiều diễn đàn, hội đàm mang tầm quốc tế. Việt Nam được dự báo là nước chịu nhiều tác động nặng nề của BĐKH và nằm trong nhóm các nước đang phát triển - nhóm có sự phát thải nhà kính tương đối lớn. Theo dõi biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam nhiệt độ trung bình đã tăng 0,62% trong vòng hơn nửa thế kỷ (1958 - 2014), số ngày nắng nóng tăng 34 ngày/thập kỷ. Từ thực tiễn đó, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu bằng các biện pháp thích ứng BĐKH song hành với giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đó, các biện pháp thích ứng mà Việt Nam cam kết đóng góp, bao gồm: nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát khí hậu; phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, giảm thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra; các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ các đồng bằng ven biển và chống ngập các thành phố lớn…
Về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, Việt Nam cam kết sẽ tự nỗ lực, phấn đấu đến năm 2030 giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính thông qua các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý chất thải; và khi có hỗ trợ quốc tế thì Việt Nam sẽ giảm 25% phát thải khí nhà kính.
Hội thảo cũng được nghe yêu cầu, cách thức xây dựng các báo cáo quốc gia về BĐKH của Việt Nam cho Công ước khí hậu và vai trò của các tỉnh, thành phố trong cả nước đóng góp vào báo cáo đó; chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh, giai đoạn 2016 - 2020 và vấn đề đặt ra cho các địa phương; đề xuất cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030.
Cục BĐKH