Trong Báo cáo, ông Francesco La Camera, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển bền vững, Năng lượng và Khí hậu của Bộ Môi trường Italia viết “Phạm vi công việc hiện nay là lắng nghe tiếng nói của các nước Châu Phi và xác định các nhu cầu cụ thể, mối quan tâm và thách thức đối với họ trong việc thực hiện hiệu quả Sửa đổi, bổ sung Kigali”. Theo ông Francesco La Camera, nhu cầu về điều hòa không khí và điện lạnh ngày càng tăng, đặc biệt là từ các nước đang phát triển. Việc đưa ra các giải pháp thân thiện với môi trường sẽ giúp các Bên tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo Nghị định thư Montreal.
Các thách thức trích dẫn trong Báo cáo được chuyên gia quốc tế về các chất làm lạnh tự nhiên Nina Masson trình bày tại Khóa họp lần thứ 29 các Bên tham gia Nghị định thư Montreal (Montreal, Canada, từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 11 năm 2017) đã tập trung nhấn mạnh vào sự phụ thuộc của các nước Châu Phi vào các thiết bị điều hòa không khí gia dụng và điện lạnh đã qua sử dụng được nhập khẩu từ nước ngoài và vào việc thiếu cơ sở sản xuất các thiết bị này trong nước. Các nước Châu Phi là những nước đang phát triển (thuộc Điều 5) và theo Sửa đổi, bổ sung Kigali, các nước Châu Phi sẽ chỉ bắt đầu loại trừ các chất HFC khoảng 10% vào năm 2029, trong khi các nước phát triển (không thuộc Điều 5) như Australia, Hoa Kỳ và các nước thành viên Liên minh Châu Âu sẽ bắt đầu loại trừ các chất HFC từ năm 2019. Báo cáo nêu rõ các chiến lược sản phẩm do các nhà xuất khẩu lớn các thiết bị điều hòa không khí và điện lạnh ở Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu hay Hoa kỳ thông qua có ảnh hưởng quyết định đến việc áp dụng các công nghệ có tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) thấp.
Các nhà hoạch định chính sách Châu Phi sẽ giúp xây dựng khung pháp lý cần thiết để thực hiện Sửa đổi, bổ sung Kigali và hỗ trợ việc áp dụng các chất, công nghệ có GWP thấp, cũng như tiếp nhận sự tài trợ từ Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal (Quỹ Nghị định thư Montreal cho các cơ sở lắp đặt, khai thác các công nghệ làm lạnh và điều hòa không khí bền vững). Theo Báo cáo, việc thiếu các thiết bị làm lạnh sử dụng các chất làm lanh có GWP thấp là một thách thức lớn đối với các nước Châu phi. Ông Juliet Kabera làm việc tại Cơ quan quản lý môi trường Rwanda nói: “Rõ ràng là chúng ta có nhiều chất thay thế. Việc sử dụng carbon dioxide (CO2) nên được thực sự phổ biến hơn. Ở nước chúng tôi, nó là một sản phẩm phụ từ một dự án lớn chiết, khai thác khí mê tan và tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao chúng tôi phải thường xuyên nhập khẩu thay vì sử dụng những gì chúng tôi đã có”.
Do đó, các nước nên không những bắt đầu khai thác các nguồn propane, CO2 hay ammonia hiện có dưới dạng sản phẩm phụ từ các quá trình công nghiệp để tinh lọc chúng như các chất làm lạnh có độ tinh khiết cao, mà còn xây dựng dây chuyền khu vực cung cấp các chất làm lạnh bền vững. Một nhà máy ở Nigeria sắp bắt đầu sản xuất chất làm lạnh propane nhằm giảm sự phụ thuộc vào lượng hydrocarbon nhập khẩu từ Châu Âu hoặc Trung Quốc. Theo ông Nina Masson, việc chuyển đổi chất làm lạnh gia dụng sang sử dụng chất làm lạnh có GWP thấp (thường là R600a) sẽ khá dễ dàng. Báo cáo ghi nhận là xu thế cho thấy vào năm 2020, khoảng 75% tủ lạnh gia đình trên thị trường toàn cầu sẽ sử dụng R600a. Nhiều dự án đang được UNIDO-Cơ quan thực hiện của Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal triển khai nhằm huấn luyện về sử dụng các chất làm lạnh thay thế ở Eritrea, Gambia và Tunisia. Báo cáo cũng đề cập đến việc Châu Phi sẽ phải đối mặt với Sửa đổi, bổ sung Kgali bằng các cách thức nào và chú ý đến việc biết đọc biết viết và đào tạo; hiệu quả năng lượng; mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức tư nhân; hiệu quả kinh tế-xã hội; cân bằng giới tính và các đặc điểm kỹ thuật. Bản tiếng Pháp của Báo cáo sẽ được in, phát hành vào đầu năm 2018 để gửi đến tất cả các nhà hoạch định chính sách Châu Phi.
Nguồn: Ozonews