Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí
Ngày đăng: 18/05/2018
Sáng ngày 18 tháng 5 năm 2018, Lễ khánh thành Nhà máy DAIKIN Hưng Yên với sự tham dự của Ngài Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Ông Jiro Tomita, Thành viên HĐQT kiêm giám đốc điều hành cấp cao, Tập đoàn Daikin Industry Nhật Bản, Bà Lý Thị Phương Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Daikin Air Conditioning Việt Nam và đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, các hiệp hội.

TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại buổi Lễ.

Phát biểu tại buổi lễ TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là cơ quan đầu mối tham gia và chủ trì thực hiện Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Nghị định thư Montreal là hiệp ước quốc tế về môi trường đầu tiên với sự tham gia của 197 nước thành viên, cho đến nay việc thực hiện Nghị định thư Montreal đã loại trừ tiêu thụ 2,5 triệu tấn các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Tầng ô-dôn đang phục hồi và dự kiến sẽ hoàn nguyên vào giữa thế kỷ này. Bảo vệ tầng ô-dôn dự kiến sẽ giúp ngăn chặn 2 triệu ca ung thư da mỗi năm trên phạm vi toàn cầu vào năm 2030. Hơn nữa, bảo vệ tầng ô-dôn cũng đã góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu nhờ ngăn ngừa phát thải 135 tỷ tấn CO2 tương đương vào bầu khí quyển thông qua việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Toàn cảnh buổi Lễ

Việt Nam là một trong các bên tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal, có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn như nhóm các chất HCFC được sử dụng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí. Việt Nam là nước có nhiều hoạt động tích cực thực hiện các cam kết quốc tế đã ký kết trong thời gian qua. Đã đệ trình Dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Ngày 31/10/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, INDC đã chính thức trở thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) bằng nguồn lực trong nước và mức cắt giảm lượng phát thải có thể lên tới 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương và đa phương.

Lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí hiện nay đang sử dụng các môi chất lạnh HCFC-22, HCFC-123 có phát thải trực tiếp và gián tiếp lớn các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, đây là các chất có nguy cơ cao gây ra sự nóng lên toàn cầu. Việc kiểm soát và loại trừ các chất nêu trên nhằm đạt được mục tiêu loại trừ các chất HCFC theo cam kết thực hiện Nghị định thư Montreal và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

HCFC-22 sử dụng làm môi chất lạnh trong điều hòa không khí có khả năng gây nóng lên toàn cầu gấp 1.810 lần so với CO2, trong khi HFC-32 sử dụng làm môi chất lạnh trong điều hòa không khí có khả năng gây nóng lên toàn cầu chỉ gấp 675 lần so với CO2 và có hiệu suất năng lượng cao hơn.

Để thành công trong việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí. Nhà máy Daikin Hưng Yên được khánh thành và đi vào sản xuất sẽ góp phần đưa ra thị trường sản phẩm điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh HFC-32. Việc áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường sẽ cho ra sản phẩm từng bước thay thế những điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh HCFC-22, góp phần tích cực trong tiến trình loại trừ các chất HCFC của Việt Nam, giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Cục Biến đổi khí hậu sẽ đồng hành hợp tác và khuyến khích các doanh nghiệp tại Việt Nam chuyển đổi công nghệ nhằm loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, góp phần thực hiện tốt các cam kết theo Nghị định thư Montreal, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính./.

Cục BĐKH

Các tin khác