Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Loại trừ các chất HFC sẽ là chiến thắng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Ấn Độ
Ngày đăng: 02/05/2018
Thế giới đã và đang thắng trong một cuộc chiến lớn chống các chất ô nhiễm thông qua việc loại trừ dần các hóa chất gây ra lỗ thủng tầng ô-dôn của Trái đất. Thách thức tiếp theo trong lĩnh vực này là phải loại trừ dần các hóa chất đang sử dụng có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao và thay thế chúng bằng các chất thay thế mới thân thiện với môi trường.

Bản sửa đổi, bổ sung Kigali (ứng phó với các hóa chất như vậy) của Nghị định thư Montreal sẽ có hiệu lực thực hiện vào ngày 01 tháng 01 năm 2019 sau khi có hơn 20 nước đã phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali. Tại tại Kigali, Rwanda vào tháng 10 năm 2016, các đại diện của hơn 190 nước đã họp và thông qua Sửa đổi, bổ sung Kigali của Nghị định thư Montreal và cùng thống nhất loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ thực hiện Nghị định thư Montreal.

Theo Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, tất cả các nước sẽ loại trừ dần các chất HFC với tỷ lệ hơn 80% trong vòng 30 năm tới và thay thế các chất HFC bằng các chất mới thân thiện với môi trường hơn. Các chất HFC thường được sử dụng làm các chất làm lạnh trong lĩnh vực điều hòa không khí và điện lạnh. Các chất HFC không làm suy giảm tầng ô-dôn như các chat HCFC nhưng là các khí nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cực mạnh. Các chất HCFC là các khí gây ra lỗ thủng tầng ô-dôn và đang bị loại bỏ hoàn toàn.

Trước khi Bản sửa đổi, bổ sung Kigali được thông qua, ông Anil  Madhav Dave, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ấn Độ nói “Sửa đổi, bổ sung tạo không gian cacbon đầy đủ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời giảm thiểu chi phí cho nền kinh tế trong giai đoạn chuyển tiếp”. Tuy vậy, nhiều quyết định quan trọng đối với Ấn Độ, theo bản sửa đổi, bổ sung đã được hoãn lại cho các cuộc họp trong tương lai bao gồm cả hai vấn đề quan trọng: việc bổ sung Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal cho các hoạt động loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và việc thúc đẩy các hoạt động nâng cao hiệu quả năng lượng, đồng thời loại trừ các chất HFC nhằm bảo vệ khí hậu.

Tại cuộc họp gần đây của các Bên tham gia Nghị định thư Montreal, các nước đã đồng ý bổ sung Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal cho các hoạt động loại trừ các chất HCFC và đạt được một số tiến bộ về hình thức, nội dung của việc thúc đẩy hoạt động nâng cao hiệu quả năng lượng theo Nghị định thư Montreal. Mặc dù các vấn đề này vẫn còn tiếp tục được thảo luận tại các diễn đàn quốc tế nhưng cần lưu ý là không phải tất cả các hoạt động trong nước chỉ phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Quỹ Đa phương. Theo các điều khoản của Sửa đổi, bổ sung Kigali, Ấn Độ cùng một số nước khác có khoảng 10 năm để chuẩn bị sắp xếp tổ chức các ngành công nghiệp và các cơ quan quản lý của mình nhằm loại trừ các chất HFC. Ấn Độ đã đưa ra các chính sách để bắt đầu chuyển đổi thành công sang sử dụng các chất làm lạnh có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) thấp hơn. Nhiều nhà sản xuất Ấn Độ đã và đang thử nghiệm, chuyển đổi sang sử dụng các chất làm lạnh có GWP thấp và trung bình. Các công ty thiết bị gia dụng Tata và Godreị là hai trong số các công ty trên thế giới đang thử nghiệm và sản xuất thiết bị với các chất làm lạnh có GWP thấp, R152a và R290. Công ty Kirioskar Chillers đã chọn sử dụng các chất làm lạnh có GWP thấp của công ty Honeywell, R1234ze trong dòng máy điều hòa không khí trung tâm mới của mình lắp đặt trong các tòa nhà công nghiệp và thương mại.

Ở Ấn Độ, 6 công ty lớn sản xuất điều hòa không khí đã cam kết sản xuất các điều hòa không khí với R32, một chất làm lạnh có GWP trung bình. Các điều hòa không khí sử dụng R32 cũng có thể mang lại lợi ích nâng cao hiệu quả năng lượng cho người tiêu dùng. Tuy vậy, cần phải có thêm nhiều hành động phối hợp để hỗ trợ việc chuyển đổi từ sử dụng các chất HFC sang sử dụng các chất làm lạnh thân thiện với khí hậu.

Ngay trước các cuộc đàm phán về Bản sửa đổi, bổ sung Kigali vào năm 2016, Chính phủ Ấn Độ đã cam kết thiết lập cơ sở hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ mới để phát triển và thúc đẩy các giải pháp áp dụng công nghệ có GWP thấp ở Ấn Độ. Các nỗ lực để phát triển chuyên môn như vậy trong nước sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp Ấn Độ và góp phần phát triển kinh tế ở Ấn Độ vì Ấn Độ là một trong những thị trường điều hòa nhiệt độ và điện lạnh tăng trưởng lớn nhất trên thế giới. Loại trừ các chất HFC theo Bản sửa đổi, bổ sung Kigali của Nghị định thư Montreal ở Ấn Độ cũng giúp Ấn Độ thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. 

                     Nguồn: Ozonews