Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
30 năm sau: Nghị định thư Montreal đã làm thay đổi thế giới như thế nào ?
Ngày đăng: 01/05/2018
Nghị định thư Montreal là Hiệp ước quốc tế đầu tiên được tất cả 197 nước tham gia Liên hợp quốc thông qua vào ngày 16 tháng 9 năm 1987, đến nay Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đã hơn 30 tuổi. Nghị định thư Montreal đã hạn chế sự phát triển, mở rộng của lỗ thủng tầng ô-dôn trong tầng ô-dôn một cách đáng kể và dường như cũng đã ngăn ngừa được một cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng.

            Theo một nghiên cứu năm 2009 của NASA, Nghị định thư Montreal đã ngăn ngừa thiệt hại cho tầng ô-dôn lẽ ra có thể đã xấu hơn 10 lần nếu như không có sự thi hành Nghị định thư Montreal. Điều đó có nghĩa là nếu không có Nghị định thư Montreal thì thiệt hại đối với động vật, thực vật và con người đã gia tăng. Tỷ lệ ung thư da có thể tăng lên. Đến năm 2065, lượng bức xạ tia cực tím UV dẫn đến đột biến AND có thể tăng lên 500% và khoảng 2/3 tổng lượng ô-dôn trên thế giới có thể biến mất.

            Nghị định thư Montreal chỉ có hiệu quả làm giảm nhẹ một số tác động nguy hiểm nhất có thể xẩy ra một khi có sự phối hợp cùng hành động kịp thời trên phạm vi toàn cầu nhằm bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định thư Montreal là Hiệp ước đầu tiên được tất cả các nước  nhất trí thông qua trong lịch sử Liên hợp quốc. Điều đó cho thấy vì tương lai của hành tinh chúng ta, cộng đồng quốc tế dã vượt qua các mâu thuẫn hoặc bất đồng. Các quốc gia đã cùng nhau chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm và cùng nỗ lực để hạn chế và cuối cùng là ngừng, loại trừ sử dụng các chất chlorofluorocarbons và các chất khác làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất xúc tác chính làm suy giảm tầng ô-dôn.

            Cách tiếp cận thu hẹp của Nghị định thư Montreal là một trong những điều hiệu quả nhất, đặc biệt là so với Nghị định thư Kyoto. Thực tế, Nghị định thư Kyoto thông qua cách tiếp cận toàn cầu hơn về quy định quốc tế là một trong những lý do vì sao nó không giải quyết được một số vấn đề mang tính địa phương hơn. Để có Nghị định thư Montreal, các nước đã phải tiến hành các hoạt động ngoại giao và các cuộc đàm phán sâu rộng. Năm 1979, các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu được những thiệt hại tiềm tàng do sự suy thoái của tầng ô-dôn gây ra. Các nhà khoa học càng lo lắng hơn khi thấy lỗ thủng tầng ô-dôn trên Nam Cực mở rộng từ 1,1 triệu km2 vào năm 1979 lên thành 22,4 triệu km2 vào năm 1987 khi ký Nghị định thư Montreal. Thấy rõ vấn đề này, Chính phủ các nước quyết định hợp tác để cùng nhau bảo vệ môi trường, ngoại trừ trường hợp Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ngày nay, Nghị định thư Montreal cũng có thể gặp phải sự hoài nghi của những người theo Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ và những người phủ nhận biến đổi khí hậu.

            Các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học đã cùng nhau cộng tác và đưa ra một kế hoạch dài hạn để loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, làm giảm tốc độ mở rộng của lỗ thủng tầng ô-dôn. Nhờ thực hiện Nghị định thư Montreal, lỗ thủng tầng ô-dôn ngày càng thu hẹp lại. Theo thông tin của các nhà khoa học của NASA và NOAA, diện tích lỗ thủng tầng ô-dôn trên Nam Cực năm 1991 khoảng 10 triệu dặm vuông, năm 2016 khoảng 8,9 triệu dặm vuông, nhưng đến tháng 9 năm 2017 lỗ thủng tầng ô-dôn này thu hẹp lại chỉ còn khoảng 7,6 triệu dặm vuông. Theo ông Solomon, Giáo sư về hóa khí quyển và khoa học khí hậu của Viện Công nghệ Massachusetts, cộng đồng quốc tế không nên sợ hãi khi phải giải quyết các vấn đề môi trường lớn. Qua hơn 30 năm thực hiện Nghị định thư Montreal cho thấy giải pháp duy nhất để ứng phó với khủng hoảng toàn cầu là cộng đồng quốc tế cùng quyết tâm và chung tay hành động, giải quyết kịp thời và hiệu quả.

Nguồn: Ozonews