Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Việt Nam ngừng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2028
Ngày đăng: 07/04/2018
Sáng ngày 29/8, Hội thảo tham vấn đánh giá tác động kính tế xã hội khi Việt Nam tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC thuộc Nghị định Montreal do Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Theo Nghị định thư Montreal về các chất suy giảm tầng ozon, HFC là hóa chất làm lạnh tuy không phá hủy tầng ozon nhưng là các khí nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) cao, gấp khoảng 12 – 14.800 lần CO2.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hoàng – Điều phối viên ozon quốc gia, Văn phòng ozon, Cục BĐKH cho biết: Cuộc họp lần thứ thứ 28 của các Bên tham gia Nghị định thư Montreal diễn ra ở Thủ đô Kigali, Rwanda vào tháng 10/2016 đã thông qua Sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC của Nghị định thư Montreal. Sửa đổi, bổ sung Kigali đã đưa các chất vào trong danh sách các hóa chất bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal.

Trong khuôn khổ thực hiện Sửa đổi, bổ sung Kigalin các Bên tham gia Nghị định thư Montreal cam kết loại trừ dần việc sản xuất, tiêu thụ HFC. Việc thực hiện thành công Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ tránh phát thải khoảng 70 tỷ tấn CO2 tương đương trên phạm vi toàn cầu cũng như tránh cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm khoảng 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Lộ trình loại trừ các chất HFC đối với Việt Nam là dừng mức tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2014 – 2028, từ năm 2029 đến năm 2034 loại trừ 10%, từ năm 2035 đến năm 2039 loại trừ 30%; từ năm 2040 đến năm 2044 loại trừ 50% và vào năm 2045 phải loại trừ 80% tổng lượng các chất HFC.

TS. Lê Hoàng Lan – Phó Viện trưởng, Viện sinh thái và môi trường cho biết: Để chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali Viện sinh thái và môi trường đã phối hợp với Cục BĐKH tiến hành nghiên cứu, khảo sát và đánh giá tác động của việc thực hiện Sửa đổi, bổ sung tại Việt Nam. Hội thảo này là dịp để hai đơn vị công bố dự thảo lần thứ nhất đánh giá tác động kinh tế – xã hội khi Việt Nam tham gia phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc NĐT Montreal.

Toàn cảnh buổi Hội thảo tham vấn

Dự thảo đánh giá tập trung vào 3 yếu tố là kinh tế; xã hội và môi trường. Về kinh tế, việc phê chuẩn sẽ đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước phát triển. Việc sử dụng môi chất lạnh thân thiện với khí hậu sẽ đem lại lợi ích kinh tế do tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Song tác động tiêu cực của nó là ảnh hưởng tới chi phí sản xuất dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp… Các yếu tố môi trường và xã hội tương tự có cả tác động tích cực và tiêu cực.

“Qua nghiên cứu, điều tra, khảo sát thực tế tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công ty đều thấy, việc phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam. Có tới 54% doanh nghiệp khảo sát sẵn sàng chuyển đổi công nghệ phù hợp với quy định” – bà Lan nói

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Hiếu – Phó Cục trưởng Cục BĐKH cho biết: Để hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của việc thực hiện Sửa đổi, bổ sung Kigali tại Việt Nam, Cục BĐKH sẽ tăng cường phối hợp với Viện sinh thái và môi trường, các nhà khoa học, các chuyên gia làm rõ một số các vấn đề liên quan đến đánh giá theo 3 trụ cột chính là kinh tế; xã hội; môi trường, trong mỗi trụ cột đó phải đánh giá cho được mặt được, chưa được dưới tác động của việc Việt Nam tham gia phê chuẩn.

Dự thảo này dự kiến hoàn thành vào quý VI năm 2017 để có đủ hồ sơ xin ý kiến các Bộ ngành trước khi trước trình Chính phủ phê duyệt chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC thuộc Nghị định Montreal.

Cục BĐKH

Các tin khác