Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Hội thảo “Giới thiệu kết quả kiểm kê trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí ở Việt Nam”
Ngày đăng: 13/04/2018
Trong khuôn khổ hợp tác thực hiện Dự án toàn cầu “Công nghệ lạnh góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân CHLB Đức tài trợ, Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu kết quả kiểm kê trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí ở Việt Nam” tại Hà Nội vào ngày 19 tháng 3 năm 2018.

Ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu khai mạc hội thảo

Tham dự Hội thảo có 50 đại biểu bao gồm đại diện, cán bộ, nhà khoa học của  các Bộ, ngành, cơ quan và các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực làm lạnh, điều hòa không khí, sản xuất ô tô và đại diện, chuyên gia của GIZ, HEAT GmbH/C4 và một số tổ chức khác có liên quan. Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu khai mạc và chủ trì hội thảo. Bà Denise Andres, cố vấn Dự án phát biểu chào mừng hội thảo.

Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu các kết quả kiểm kê ban đầu thu thập được đối với lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí; xác nhận, bổ sung các kết quả thu thập số liệu thông qua các góp ý và phản hồi của đại biểu tham dự hội thảo để từ đó thực hiện các bước tiếp theo nhằm xây dựng chiến lược giảm nhẹ phát thải bền vững cho lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (PA) vào tháng 4 năm 2016 và phê duyệt PA vào tháng 11 năm 2016. Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) và mức đóng góp 8% này có thể được tăng lên thành 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác đa phương và song phương.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Tăng Thế Cường cũng cho biết, Sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC của Ngshị định thư Montreal được các nước thông qua vào tháng 10 năm 2016 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.  Lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí hiện đang sử dụng các môi chất lạnh thuộc nhóm HCFC như R-22, R-123 là các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và cũng là các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao. Ngoài ra, các môi chất lạnh khác thuộc nhóm các chất HFC như R-134a, R-410a, R-404, R-407… là các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu rất cao, gây biến đổi khí hậu. Việc loại trừ các chất nêu trên nhằm thực hiện cam kết của nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, bảo vệ tầng ô-dôn và đồng thời góp phần quan trọng vào việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các bài trình bày với nội dung: (i) Tổng quan Sửa đổi,bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC và tầm quan trọng của kiểm kê trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí; (ii) Phương pháp và tiến trình thu thập và kiểm tra số liệu lĩnh vực làm lạnh và không khí; (iii) Kết quả kiểm kê và kiểm tra số liệu lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến thu thập và xử lý số liệu và tốc độ tăng trưởng của những lĩnh vực này và đề xuất các hoạt động cần thực hiện tiếp theo nhằm xây dựng chiến lược giảm nhẹ phát thải bền vững cho lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí, đóng góp vào thực hiện NDC của Việt Nam.

Cục BĐKH

Các tin khác