Hội thảo đã tập trung thảo luận, chia sẻ các các nội dung: Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng; truyền thông môi trường nhìn từ góc độ cộng đồng; chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng trên thế giới và ở Việt Nam – một số kinh nghiệm có thể áp dụng ở Hà Nội; tăng cường vốn xã hội và nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH của cộng đồng.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về BĐKH đã khẳng định, BĐKH gây tử vong và bệnh tật thông qua hậu quả của các dạng thiên tai như sóng nhiệt nóng, bão, lũ lụt, hạn hán… nhiều bệnh, dịch gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và hoàn cảnh sống, nhất là các bệnh truyền qua vật trung gian, như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, các bệnh đường ruột và các bệnh khác…Tần suất xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thiên tai như bão, lũ lụt, mưa lũ tạo nguy cơ ngập lụt đối với các vùng đất thấp, điển hình như đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng nhiễm mặn, nhiễm phèn trên diện rộng làm thiệt hại đến mùa màng; hạn hán thường xảy ra vào mùa khô, nắng nóng, lượng bốc hơi lớn hơn lượng mưa nhiều lần đã làm cây trồng khô héo nhanh chóng, có thể dẫn tới làm chết cây trồng hàng loạt.
Phát biểu tại Hội thảo ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục KTTV & BĐKH cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội về BĐKH, với mục tiêu đến năm 2015 có trên 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức Nhà nước có hiểu biết cơ bản về BĐKH và các tác động của nó.
Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục KTTV & BĐKH phát biểu tại Hội thảo
Sau 3 năm thực hiện Chương trình, công tác truyền thông đã tạo ra một bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức, trước hết là của các cấp lãnh đạo. Do vậy, trong thời gian tới đây, công tác truyền thông tiếp tục được Bộ TN&MT, cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương đồng hành cùng mạng lưới thông tin báo chí đa dạng hóa các loại hình truyền thông đến từng nhóm đối tượng cụ thể để có thể truyền đạt được những hiểu biết đầy đủ và đúng hơn về thách thức cũng như một số cơ hội mà BĐKH mang lại.
Ông Nguyễn Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Hội thảo là cơ hội để trao đổi, thảo luận, xác định vai trò của các ngành, các cấp trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của Thủ đô, đồng thời xây dựng chương trình hành động cụ thể để đoàn kết tập hợp nhân dân Thủ đô chung tay hành động vì môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Sở TN&MT Hà Nội cũng mong muốn tiếp nhận những ý tưởng sáng tạo, những đề xuất, kiến nghị của các quý vị đại biểu để tham mưu với chính quyền thành phố xây dựng các kế hoạch, chương trình và tăng cường các giải pháp hiệu quả thực hiện ứng phó BĐKH và phát triển bền vững.
Hồng Phương