Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết cho thấy sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong nhiệm vụ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nghị quyết đã đề ra một lộ trình cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sống.
Cụ thể: Đến năm 2020, về cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với BĐKH; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.
Đáng chú ý là Nghị quyết 24 đưa ra những con số cụ thể, phải đạt được sau quá trình thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH và tăng cường bảo vệ môi trường như: Giảm mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP từ 8 - 10% so với năm 2010; Bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội; giữ và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất chuyên trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất; 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông được xử lý; tiêu huỷ, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt; phấn đấu 95% dân cư thành thị và 90% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha; nâng độ che phủ của rừng lên trên 45%.
Dự thảo Chương trình do Bộ TN&MT soạn thảo tập trung vào các nội dung chính như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm hiệu quả, bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến; đổi mới chính sách, pháp luật, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước; đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; thúc đẩy hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH; xây dựng những nhiệm vụ, đề án tổng hợp liên quan đến cả 3 lĩnh vực (ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường). Dự thảo này khi được hoàn thiện và thông qua sẽ là căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các Đề án triển khai Nghị quyết 24 nên bám sát hơn nữa các mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết 24 đã chỉ ra. Còn đại diện Bộ Quốc phòng góp ý nên bổ sung Đề án về xây dựng hệ thống xử lý rác trên các đảo phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay …
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo. Chương trình cần tập trung xây dựng các nhiệm vụ hành động cấp Quốc gia, nhưng phải tránh chồng chéo với các Chương trình, kế hoạch hành động cấp Quốc gia đã có, tính tới yếu tố khả thi.
Bảo Minh