02 tác phẩm giành giải nhất cuộc thi sáng tác nghệ thuật, chủ đề "Bảo vệ tầng ô dôn để bảo vệ khí hậu trái đất
Vượt qua hơn 2.520 tác phẩm tham dự cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề “Bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu trái đất” từ mọi miền của Tổ quốc, 2 tác phẩm “Cạn kiệt thức ăn - nước uống” và “Trẻ em chung tay giữ hành tinh luôn mát lành” đã giành giải nhất, giải thưởng cao nhất của chương trình.
Cuộc thi sáng tác nghệ thuật về bảo vệ tầng ozone, được Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, phát động tổ chức từ ngày 16/9/2021.
Phát biểu tại lễ trao giải diễn ra ngày 29/7, ông Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh “bảo vệ tầng ozone” là đề tài khó thế hiện nhưng với số lương 2.524 tác phẩm dự thi đã nói lên trách nhiệm và đam mê sáng tác, hưởng ứng cuộc thi sáng tác nghệ thuật để bảo vệ khí hậu Trái Đất.
Trong số các tác phẩm dự thi kể trên, ở thể loại tranh vẽ trên giấy có 2.080 tác phẩm; thể loại nhiếp ảnh có 331 tác phẩm; thể loại tranh công nghệ 113 tác phẩm.
Các tác giả, nhóm tác giả dự thi ở nhiều độ tuổi khác nhau (từ 7-68 tuổi); nghề nghiệp khác nhau như học sinh, sinh viên, nhà báo, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia.
Đặc biệt, các tác phẩm vào vòng chung khảo và đạt giải bám sát đề tài, nội dung cuộc thi; các tác phẩm phản ánh tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, do ý thức con người gây ra bởi lỗ thủng tầng ozone, hiện tượng nóng dần lên của Trái Đất do hiệu ứng nhà kính, ý thức, trách nhiệm gìn giữ bảo vệ từng ozone,...
Thông qua các tác phẩm, người xem có thể hiểu được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm, thức tỉnh trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay bảo vệ Trái Đất.
Các tác phẩm tham dự cuộc thi
Khẳng định sự tham gia tích cực của đông đảo các tác giả với nhiều đối tượng ngành nghề, độ tuổi khác nhau ở trên mọi miền của Tổ quốc đã tạo luồng gió mới cho cuộc thi, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh: “Cuộc thi đã góp một phần không nhỏ trong việc lan tỏa thông điệp về bảo vệ tầng ozone, sự nóng dần lên của Trái Đất và tầm quan trọng của mỗi người trong việc góp phần bảo vệ bầu khí quyển mà nhân loại đang hít thở hàng ngày.”
Theo đó, trên cơ sở bình chọn của Hội đồng giám khảo, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã quyết định trao giải cho 56 tác phẩm (theo 2 nhóm tuổi từ 6-15 tuổi và trên 15 tuổi). Trong đó, có 2 giải nhất; 9 giải nhì; 16 giải ba; 29 giải khuyến khích.
2 giải nhất của cuộc thi đã được trao cho tác giả Đặng Thị Ánh Hồng (sinh năm 2009), học sinh Trường Trung học Cơ sở Phước Tiên, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp với tác phẩm “Cạn kiệt thức ăn và nước uống;” và Nguyễn Ngọc Xuân Thảo (sinh năm 1994) cư trú tại ấp Định Thọ, xã tường Đa, huyện Châu Thành, Bến Tre, với tác phẩm “Trẻ em chung tay giữ hành tinh luôn mát lành!”
Ngoài ra, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cũng quyết định tặng giấy khen cho 4 tập thể tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi; 5 tác phẩm đoạt giải theo mỗi thể loại được đề cử tham gia cuộc thi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đại diện các tác giả, nhóm tác giả chia sẻ tại lễ trao giải, cô giáo trẻ Nguyễn Ngọc Xuân Thảo - “chủ nhân” của tác phẩm “Trẻ em chung tay giữ hành tinh luôn mát lành!” cho biết cô tham gia cuộc thi này chỉ với mong muốn là người truyền cảm hứng cũng như đồng hành cùng học sinh của mình trong việc lan tỏa thông điệp của cuộc thi và nội dung của Nghị định thư Montreal đến tất cả mọi người.
“Mong rằng mỗi chúng ta hãy thực hiện tốt trách nhiệm của mình cũng như hãy cùng nhau lan tỏa những hành động đẹp để bảo vệ môi trường, bảo vệ tầng ozone và chúng ta sẽ có 1 cuộc sống xanh hơn, sạch hơn trong tương lai,” Thảo nhắn nhủ./.
Việt Nam nỗ lực bảo vệ tầng ô dôn
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho hay trong nhiều năm qua, Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ô dôn, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone.
Với mục tiêu loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC (nhóm chất gây suy giảm tầng ozone dùng làm môi chất lạnh) trong giai đoạn 2020-2025, hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn; dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040.
Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4/9/2019 của Chính phủ phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình quản lý, giảm dần các chất HFC trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2045. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bên liên quan xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2023.
Hùng Võ (Vietnam+)