Tin tức / Tin hoạt động
Đẩy nhanh tiến độ các hoạt động hỗ trợ triển khai Thỏa thuận Paris
Ngày đăng: 06/05/2022
Ngày 6/5, tại Hà Nội, Cuộc họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris đã diễn ra nhằm tổng kết hoạt động năm 2021 và thông qua đề xuất Kế hoạch thực hiện đến tháng 3/2023. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành – Trưởng Ban chỉ đạo Dự án chủ trì cuộc họp.

Các đại biểu tham dự trực tiếp Cuộc họp Ban Chỉ đạo tại Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tham dự cuộc họp có Phó Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Wert Burner - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Dự án, lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), cán bộ đầu mối dự án tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VNSIPA) do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMU) hỗ trợ trong Khuôn khổ Sáng kiến khí hậu (IKI), triển khai trong giai đoạn 2019 - 2023. Mục tiêu nhằm tăng cường khung pháp lý và năng lực quốc gia để hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH).

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án phát biểu tại cuộc họp

Với sự hỗ trợ tích cực của Dự án VN-SIPA cùng một số nguồn lực khác, đến nay, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó, có 1 chương về Ứng phó với BĐKH đã được Quốc hội thông qua; Nghị định về giảm nhẹ phát thải KNK, bảo vệ tầng ô-zôn đã được Chính phủ phê duyệt; Thông tư Quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với BĐKH đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Gần đây nhất, Dự án cũng hỗ trợ Bộ TN&MT hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối tháng 4. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định: “Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng góp phần củng cố vững chắc công tác quản lý Nhà nước về BĐKH, tiền đề cho việc xây dựng Luật BĐKH sau này”.

 

Phó Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Wert Burner - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Dự án phát biểu tại cuộc họp

Ở các Bộ, Dự án đã hỗ trợ xây dựng Kế hoạch thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và LULUCF; Kế hoạch hành động của Bộ Giao thông vận tải về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025; rà soát các chính sách hiện tại của ngành Xây dựng Việt Nam đối với các nội dung liên quan đến BĐKH và tăng trưởng xanh để đề xuất các nội dung lồng ghép vào các văn bản, chính sách, pháp luật chuẩn bị được ban hành trong thời gian tới.

Ở cấp độ địa phương, Dự án đã nghiên cứu về phương pháp thu thập và phân tích thông tin tổn thất và thiệt hại trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam, mô hình thí điểm nông nghiệp thông minh CSA ở tỉnh Hà Tĩnh; phổ biến kiến thức và truyền thông về các biện pháp EbA đô thị ở tỉnh Quảng Bình.

Đánh giá cao những kết quả nổi bật này, Phó Đại sứ Đức Wert Burner chia sẻ: VNIPSA là dự án chủ chốt của Đức tại Việt Nam, với cách tiếp cận đa bên nhằm xây dựng nền tảng để thực hiện các mục tiêu ứng phó BĐKH trong trung hạn và dài hạn, can thiệp bằng biện pháp giảm nhẹ và thích ứng có thể đo lường hiệu quả, hỗ trơ phi các-bon hóa nền kinh tế quốc dân. Chính phủ Đức rất hoan nghênh Việt Nam thúc đẩy các hành động để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời, khẳng định tiếp tục dành những hỗ trợ cho Việt Nam thông qua VNSIPA và các dự án khác trong thời gian tới.

Đại diện các Bộ, địa phương tham dự cuộc họp trực tuyến

Tại cuộc họp, ông Daniel Hermann – Cố vấn trưởng Dự án và ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ về tiến độ cụ thể của các nội dung hoạt động năm 2021, Kế hoạch năm 2022 và đến tháng 3/2023. Đại diện từ đơn vị tư vấn, GIZ, các Bộ và địa phương cũng đã góp ý cho kế hoạch thực hiện thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, các hoạt động của Dự án phải hướng tới các mục tiêu đã được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Công hòa Liên bang Đức thống nhất; đồng thời, điều chỉnh phù hợp các nội dung cần thiết để hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris sau các cam kết nổi bật của Việt Nam tại COP26.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Trọng tâm là hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định về Giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, Thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, nội dung BĐKH đến các đối tượng thực hiện. Bên cạnh đó, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các quy định thực hiện Thỏa thuận Paris phù hợp mục tiêu của Dự án và ưu tiên của các Bên.

Thứ trưởng cũng đề nghị, Dự án cần hỗ trợ một số hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; đề xuất các nội dung đề nghị Chính phủ 2 nước xem xét hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris, cam kết COP26 để thực hiện ngay sau khi dự án kết thúc vào tháng 3/2023.

Khánh Ly

Các tin khác