Tham dự sự kiện có bà Caitlin Wiesen, đại diện Thường trú UNDP, quyền Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Shoda Yutaka, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản; ông Weert Boerner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các Bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học.
Ban chủ trì Hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050
Bước chuyển về chất trong công tác ứng phó BĐKH
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, theo Thỏa thuận Paris, từ năm 2021, các quốc gia đều có trách nhiệm thực hiện giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH thông qua việc thực hiện cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, Việt Nam luôn tích cực, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH. Việt Nam đã trình NDC năm 2015, hoàn thành cập nhật NDC vào 2020, đưa trách nhiệm giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để toàn dân thực hiện.
Đồng thời, Việt Nam cũng đã tập trung xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với mục tiêu cam kết và thực hiện các yêu cầu của Thỏa thuận Paris.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội thảo
“Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 phản ánh sự chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó với BĐKH của Việt Nam; đồng thời thể hiện lộ trình để hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050” – Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Bộ Môi trường Nhật Bản. Đồng thời, ban soạn thảo, tổ biên tập cũng đã tham khảo các chiến lược dài hạn về BĐKH của nhiều quốc gia trên thế giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương từ khi xây dựng Đề cương Chiến lược, khảo sát 63 địa phương và thực hiện phỏng vấn sâu 20 tỉnh, thành phố. Đến nay, dự thảo Chiến lược cũng đã được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, các nhà khoa học.
3 phương án giảm phát thải năng lượng
Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 đã đề ra các mục tiêu: chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; giảm phát thải KNK theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Bà Caitlin Wiesen, đại diện Thường trú UNDP, Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, về thích ứng BĐKH, dự thảo chiến lược đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan. Các vấn đề trọng tâm bao gồm: ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; nông nghiệp và an ninh lương thực; rừng và các hệ sinh thái, phát triển hạ tầng thích ứng với BĐKH; y tế và sức khỏe; bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới.
Về giảm phát thải KNK, dự thảo Chiến lược đã tính toán chi tiết các phương án giảm phát thải cho các lĩnh vực năng lượng; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất; chất thải; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp đến 2050. Việc lựa chọn giải pháp giảm phát thải ưu tiên các công nghê tiên tiến nhất tại Việt Nam và chuyển giao, ứng dụng công nghệ trên thế giới.
Ông Weert Boerner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Các biện pháp giảm phát thải cho các lĩnh vực phi năng lượng (nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, chất thải, các quá trình công nghiệp) được áp dụng chung cho tất cả các phương án.
Riêng lĩnh vực năng lượng, Bộ TN&MT đề xuất 3 phương án (PA) giảm phát thải. Trong đó, PA1 có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao (chiếm 73%% tổng năng lượng vào năm 2050), nhất là tỷ lệ điện mặt trời tập trung nên dự kiến cần diện tích đất rất lớn.
PA2 có tỷ trọng NLTT thấp hơn, nếu muốn đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện cam kết phát thải bằng 0 sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp thu giữ và lưu trữ các-bon (CCS) cho giai đoạn từ năm 2035 trở đi. Bù lại, PA này có kết quả chi tiết của các biện pháp giảm phát thải và chi phí đầu tư đối với từng lĩnh vực, công nghệ nên thuận lợi cho việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện và theo dõi giám sát. Bên cạnh đó, dự báo các công nghệ thu giữ và sử dụng các-bon sẽ hoàn thiện hơn với giá thành rẻ hơn trong giai đoạn từ năm 2030 trở đi. Phương án 3 là Phương án 2 nhưng có thêm điện hạt nhân thay thế một phần cho điện than, được áp dụng cho giai đoạn sau năm 2035 khi mức độ an toàn và giá thành phù hợp.
Để triển khai các giải pháp giảm phát thải, Việt Nam sẽ thực hiện kiểm kê KNK đối với các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương (tđ) trở lên từ năm 2022; 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050.
Bên cạnh đó, xây dựng tổng hạn ngạch phát thải KNK quốc gia và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho các cơ sở từ năm 2026; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm 30% khí mê tan, thực hiện lộ trình phát thải ròng về “0”, loại trừ chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Các đối tác quốc tế ủng hộ
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu quốc tế đều đánh giá cao và bày tỏ sự ủng hộ với việc xây dựng dự thảo Chiến lược, đồng thời, khẳng định sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai Chiến lược sau này. Đây có thể xem như chính sách đầu tiên của Việt Nam vạch ra lộ trình về cách thức đạt được sự trung hòa về khí hậu vào giữa thế kỷ này, đặt BĐKH là trung tâm trong tất cả các quyết định phát triển.
Bà Caitlin Wiesen nhận định, Dự thảo Chiến lược quan trọng này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các kế hoạch và chính sách về khí hậu và năng lượng quan trọng khác, chẳng hạn như Quy hoạch điện 8 và Kế hoạch tổng thể cho phát triển năng lượng, cập nhật NDC, Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP) và Chiến lược Tăng trưởng Xanh. Chiến lược này, một khi được thông qua, sẽ giúp huy động toàn bộ hệ thống chính phủ và toàn xã hội tham gia hành động có trách nhiệm với khí hậu vì một quá trình chuyển đổi công bằng, công bằng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo Phó Đại sứ CHLB Đức Weert Boerner, Chiến lược mới cho thấy mục tiêu trung hòa khí hậu ở Việt Nam là rất tham vọng và đầy thách thức, nhưng khả thi. Dự thảo Chiến lược đưa ra ba lựa chọn giảm phát thải năng lượng. Phía Đức đề xuất Việt Nam lựa chọn phương án 1 với dự báo tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 73% trong cơ cấu điện năng của Việt Nam vào năm 2050. Kịch bản này ít tốn kém hơn và ít phụ thuộc hơn vào các công nghệ chưa hoàn thiện hoặc gây nhiều tranh cãi, cả trong nước và quốc tế.
Quang cảnh hội thảo
Quá trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, ngành điện là yếu tố thúc đẩy chính của sự thay đổi mô hình, nhưng cũng cần chú ý đến những ngành, lĩnh vực khác như: vận tải, xây dựng, làm mát và công nghiệp. Dự báo tăng trưởng của các ngành này rất lớn và đòi hỏi quá trình khử cacbon đáng kể. Phía Đức đề xuất Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào các chiến lược giảm nhu cầu năng lượng/điện, vật liệu, hàng hóa… Các biện pháp giảm thiểu khác nhau có thể được thực hiện với chi phí thấp, tùy thuộc vào việc xây dựng các công cụ chính sách, ví dụ có thể ban hành lệnh cấm đồ nhựa sử dụng một lần…
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho rằng, Chiến lược là chính sách “sống” bởi BĐKH là vấn đề rất cấp bách và cần triển khai nhanh nhất các giải pháp ứng phó, nhằm giải quyết những thách thức hiện nay về suy thoái môi trường, tổn thất với hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng... EU và các nước thành viên sẽ đưa ra các đề xuất chung để tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo ông Conan Herve - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), việc xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050 là rất đúng hướng, và là chìa khóa thực hiện các chính sách về BĐKH. Việt Nam là một quốc gia trên đà phát triển gắn liền với nước, cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến duy trì, bảo vệ, bảo tồn nguồn nước. Cần nâng mức độ các quy định, quy chuẩn hạ tầng xây dựng hướng đến mục tiêu này, giảm tối đa tác động đến nguồn nước, đặc biệt ở khu vực đô thị.
Tương tự UNDP, phía AFD mong muốn Chiến lược đảm bảo sự kết nối với các chính sách liên quan và hiện thực hóa các mục tiêu của Việt Nam tại COP 26. Trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình dự án và chính sách trong thời gian tới, bảo đảm công bằng và hỗ trợ xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương trước BĐKH.
Cũng tại hội thảo, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của Chính phủ và tầm quan trọng của khu vực tư nhân để thực hiện các giải pháp của Chiến lược. Dù lựa chọn phương án giảm phát thải nào, Chính phủ cũng cần đưa ra quyết định rõ ràng về cắt giảm triệt để nhiệt điện than. Các đối tác phát triển cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống năng lượng, giảm nhẹ tác động đến những đối tượng dễ bị tổn thương, tăng tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu… nhưng tương ứng sẽ có các yêu cầu về đảm bảo tính minh bạch.
Những đề xuất, kiến nghị sẽ được Bộ TN&MT tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Chiến lược, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 5 tới.
Khánh Ly