Tham gia sự kiện có ông Manuel Pulgar Vidal, Giám đốc toàn cầu Chương trình khí hậu và năng lượng, WWF; ông Malik Amin Aslam, Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu và Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Pakistan; ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; Giáo sư Patrick Verkooijen, Giám đốc điều hành, Trung Tâm thích ứng toàn cầu.
Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp Việt Nam, Pakistan và Trung tâm Thích ứng toàn cầu tổ chức sự kiện Đẩy mạnh thích ứng ở Châu Á thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên quy mô lớn.
Sự kiện nhằm trao đổi, giới thiệu một số các giải pháp NBS quy mô lớn ở châu Á, bao gồm ở Việt Nam và Pakistan. Các giải pháp thúc đẩy quá trình thích ứng, tăng cường tính chống chịu cho các vùng dễ bị tổn thương và hệ sinh thái ven biển. Đây là những sáng kiến có thể được nhân rộng ở Châu Á và trên toàn thế giới.
Hiện nay trên toàn thế giới đang phải gánh chịu những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, xác định nhu cầu cấp thiết hiện nay cần phải tăng quy mô đầu tư vào các Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS) để tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Những tác động ngay lập tức tới tài nguyên nước, tuy nhiên có rất ít các dự án NBS với nhiều tham vọng giúp tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng, thành phố và các doanh nghiệp đối với lũ lụt, hạn hán, bão và nước biển dâng.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Ông Tăng Thế Cường cho biết tại Việt Nam khu vực ven biển, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là những khu vực chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu đòi hỏi cần có những giải pháp thích ứng hữu hiệu. Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế và triển khai nhiều hành động quan trọng, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan như đưa các nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) và sắp tới là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Trong đó, thích ứng dựa vào tự nhiên là một trong những giải pháp quan trọng trong các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Ông cũng chia sẻ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có 20 triệu dân sinh sống là nơi chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm với những giải pháp thích ứng dài hạn để phát triển bền vững. Việt Nam cũng có những giải pháp thích ứng thông minh nhằm giảm tổn thất và thiệt hại, triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 góp phần hấp thụ khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại sự kiện
Ông Manuel Pulgar Vidal, nhấn mạnh NBS có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các hành động thích ứng để phát triển bền vững. Điều quan trọng là các giải pháp này có tác động như thế nào đối với hệ sinh thái cũng như các đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Việc thúc đẩy các giải pháp tài chính là yếu tố quan trọng, hiện nay chúng ta chưa có đủ nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Pakistan và Việt Nam coi trọng việc thúc đẩy thu hẹp khoảng cách tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Malik Amin Aslam cho rằng, Pakistan là một phần của giải pháp NBS và cần phải đầu tư cho thiên nhiên. NBS bên cạnh thích ứng với biến đổi khí hậu còn có tác động tốt tới xã hội, những tác động tích cực tới tự nhiên. Pakistan ngoài việc đầu tư cho thiên nhiên cũng tạo ra nhiều việc làm xanh, đã thiết lập quỹ 120 triệu đô từ Ngân hàng Thế giới, thí điểm thực hiện cho hai dự án tại Pakistan. Bên cạnh đó, từ năm 2014 Pakistan đã triển khai trồng 1 tỷ cây xanh nhằm thích ững với biến đổi khí hậu.
Giáo sư Patrick Verkooijen cho biết, chúng ta cần ghi nhớ ngoài giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với nỗ lực của toàn cầu, chúng ta cần quan tâm đẩy mạnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng cần đầu tư cho các dự án NBS quy mô lớn, cần thêm nguồn lực tài chính từ các bên khác nhau, cần chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về NBS.
Cục trưởng Tăng Thế Cường đề nghị WWF, Trung tâm Thích ứng toàn cầu và các đối tác phát triển khác sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam phát triển mô hình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng dễ bị tổn thương, chịu nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu các tổn thất và thiệt hại lớn trong tương lai.
Chu Thanh Hương từ COP26