TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: VGP/Thùy Chi
Nhân Ngày Khí tượng thế giới (23/3) với chủ đề “Đại dương-thời tiết và khí hậu của chúng ta”, Báo điện tử Chính phủ có bài phỏng vấn TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, xin ông cho biết tình trạng BĐKH đang diễn ra cực đoan như thế nào trên quy mô toàn cầu và ở Việt Nam?
TS. Tăng Thế Cường: BĐKH đang diễn ra nhanh, trực tiếp tác động mạnh đến an ninh lương thực toàn cầu do nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, tần suất các hiện tượng cực đoan, đồng thời làm gia tăng sức ép lên hệ thống đất đai, qua đó bùng phát nguy cơ cao về hoang mạc hoá, suy thoái đất. Những đợt sóng nhiệt, tăng cường, mưa bão, hạn hán, thiên tai, ngập lụt diễn ra ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và tiếp tục hủy hoại các hệ sinh thái. Nước biển dâng sẽ gây ra các đợt tị nạn quy mô lớn do BĐKH.
Báo cáo Hiện trạng khí hậu mới nhất do Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ vừa công bố nêu rõ, kể từ năm 1980, mỗi thập kỷ sau lại nóng hơn thập kỷ trước, trong đó thập kỷ 2010-2019 đã nóng hơn thập kỷ 2000-2009 khoảng 0,2°C. Nguyên nhân chính làm cho khí hậu thay đổi là lượng phát thải khí nhà kính vẫn không ngừng tăng, đã lên mức cao kỷ lục là 409,8 phần triệu thể tích. Hệ quả là 6 năm liên tiếp, kể từ 2014 đến nay, trở thành những năm nóng nhất. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử được nhân loại ghi nhận một cách có hệ thống kể từ khi nhân loại bắt đầu ghi lại nhiệt độ từ giữa những năm 1800. Mực nước biển dâng cao kỷ lục trong vòng 8 năm liên tiếp. Các dòng sông băng tiếp tục tan chảy ở mức độ rất báo động trong năm thứ 32 liên tiếp. Mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Ohio Hoa Kỳ đã công bố báo cáo, dữ liệu vệ tinh 40 năm qua cho thấy, băng ở Greenland đã tan chảy, vượt qua ngưỡng có thể đảo ngược.
Trong thời gian tới, BĐKH sẽ tiếp tục diễn biến khó lường và những tác động bất lợi sẽ ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo mới được công bố của Viện Toàn cầu Mckinsey, do tác động của BĐKH, các nước Đông Nam Á sẽ tổn thất khoảng 8%-13% GDP mỗi năm cho đến năm 2050.
Ở Việt Nam, do tác động của BĐKH, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng dày hơn. Ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn lại tiếp tục tái diễn trong năm 2019-2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2016. Trong năm 2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35% đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%. Bão lớn cấp 4 và 5 diễn ra thường xuyên hơn nhiều trong vòng 35 năm trở lại đây đã dịch chuyển dần xuống phía Nam trong vòng 5 thập kỷ qua.
Các hiện tượng bất thường của khí hậu, thời tiết đã xảy ra liên tục ở nhiều vùng, gây ra sạt lở, lũ ống lũ quét trên diện rộng với sức tàn phá to lớn ở Yên Bái năm 2017, Thanh Hóa các năm 2018, 2019. Mưa lớn lịch sử trong vòng 60 năm gây thiệt hại to lớn cho Hà Giang và một số địa phương ở miền Bắc. Đặc biệt, mới đây, miền Trung đã phải gồng mình gánh chịu thiên tai: Lũ chồng lũ, bão chồng bão với những mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Tác động do BĐKH đang trở thành nguyên nhân gây ra những thách thức an ninh khí hậu, nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định và phát triển đất nước, tạo ra những làn sóng di cư. Thống kê gần đây cho thấy trong 10 năm trở lại đây, đã có 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long, trong khi chỉ có 700.000 người mới chuyển đến, tỉ lệ di cư này là gấp hai lần trung bình cả nước.
Như vậy, BĐKH rõ ràng đe doạ tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nếu chúng ta không có một kế hoạch tổng thể để thích ứng với BĐKH với tầm nhìn dài hạn.
Những tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra ở nước ta ngày càng lớn, tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ông có thể dự đoán tình hình trong tương lai sẽ như thế nào?
TS. Tăng Thế Cường: Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng và các nghiên cứu khác cho thấy xu hướng gia tăng BĐKH là không thể tránh khỏi trong tương lai. Đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng từ 0,6 độ C-4 độ C; lượng mưa có xu hướng tăng tập trung vào mùa mưa và giảm vào mùa khô; nước biển dâng từ 36 cm-100 cm thay đổi theo kịch bản và vị trí địa lý.
Vùng núi phía Bắc và ở miền Trung sẽ chịu nhiều rủi ro hơn do lũ quét và trượt lở đất khi chế độ mưa thay đổi, với tần suất và cường độ mưa lớn ngày càng nhiều. Trong khi đó, những vùng chịu rủi ro cao hơn và dễ bị tổn thương hơn do hạn hán và thiếu nước, tăng hoang mạc hoá ở Việt Nam, bao gồm: Vùng duyên hải Trung Bộ và Nam Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, vùng trung du và khu vực Tây Nguyên. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, các trận lũ lớn xảy ra vào những năm giữa thế kỷ 21 kết hợp với nước biển dâng khoảng 30 cm sẽ làm cho diện tích ngập lụt tăng trên 25% so với diện tích ngập lụt trong trận lũ lịch sử năm 2000, diện tích ngập lũ có thể chiếm gần 90% diện tích tự nhiên đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu tác động của sụt lún đất do lún địa chất và khai thác nước ngầm quá mức. Trong vòng 10 năm qua, riêng vùng bán đảo Cà Mau có tốc độ sụt lún khoảng 20 cm, có những điểm tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu bị sụt lún đến 50 cm.
Đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100 cm, 6,3% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị ngập lụt, 4% hệ thống đường sắt, 9% hệ thống đường quốc lộ và 12% hệ thống đường tỉnh lộ sẽ bị ảnh hưởng; trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TPHCM có nguy cơ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TPHCM; riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.
Các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao trước BĐKH là nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, nơi cư trú và hạ tầng kỹ thuật do đây là những ngành, lĩnh vực có mức độ phơi bày và độ nhạy cao với thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 35% tổng diện tích của cả nước và tạo ra khoảng 47% việc làm, nhiều hộ gia đình vẫn dựa vào nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực. BĐKH là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến gia tăng rủi ro cho các vùng, các lĩnh vực và các đối tượng dễ bị tổn thương. Trong tương lai, nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích TPHCM và 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập dẫn đến mất đất canh tác nông nghiệp, nước tưới cho nông nghiệp, nước phục vụ mục đích sinh hoạt và công nghiệp bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Như ông đã nói, BĐKH rõ ràng đã đe doạ tới việc thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nếu chúng ta không có một kế hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn để thích ứng với BĐKH. Vậy chúng ta đã có kế hoạch tổng thể để thích ứng với BĐKH chưa, thưa ông?
TS. Tăng Thế Cường: Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của BĐKH, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP21) năm 2015. Theo đó, các bên tham gia Thỏa thuận có trách nhiệm xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH. Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg. Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra phân theo 3 nhóm, tập trung vào 7 nhóm, lĩnh vực: Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nguồn lực; Nông nghiệp; Phòng chống thiên tai; Môi trường và đa dạng sinh học; Tài nguyên nước; Cơ sở hạ tầng; các lĩnh vực khác, gồm sức khoẻ cộng đồng, lao động-xã hội, văn hoá-thể thao-du lịch. Các lĩnh vực được lựa chọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào mức độ tác động của BĐKH và mục tiêu của kế hoạch thích ứng quốc gia; không phân chia nhiệm vụ theo bộ, ngành để tránh sự trùng lặp, chồng lấn trong các lĩnh vực.
Cụ thể 3 nhóm nhiệm vụ này như sau: Một là, nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua tăng cường quản lý nhà nước, thúc đẩy lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đề ra. Trong đó, có việc giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng, định kỳ cập nhật kịch bản BĐKH, xây dựng các kịch bản về tác động, tổn thất và thiệt hại, thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia và công cụ hỗ trợ quản lý, xây dựng các cơ chế, chính sách huy động và phân bổ nguồn lực về tài chính…
Hai là, tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Ba là, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH với 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó, có việc cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chú trọng giải pháp quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy tri thức địa phương trong phòng tránh thiên tai, triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, chống sạt lở bờ sông, bờ biển…
Chúng ta cần thực hiện những giải pháp cấp thiết nào để nâng cao năng lực cộng đồng thích ứng với BĐKH?
TS. Tăng Thế Cường: Ở nước ta đã xuất hiện nhiều mô hình thích ứng với BĐKH có tính sáng tạo, trong đó có mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng, các mô hình thích ứng thông minh. Các mô hình được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm, sáng kiến của bản địa và đã có sự chọn lọc, thích nghi với đặc điểm văn hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của cộng đồng. Để nâng cao năng lực cộng đồng thích ứng với BĐKH, Kế hoạch quốc gia thích ứng BĐKH đã đề ra các nhiệm vụ chú trọng các giải pháp thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng. Do đó, chúng ta cần đặc biệt chú trọng một số giải pháp.
Cụ thể, hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển lâm nghiệp bền vững, nhân rộng mô hình phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tại các đầm nuôi trồng thủy sản đã bị suy thoái theo hướng lâm-ngư kết hợp dựa vào cộng đồng, hỗ trợ phát triển mô hình sinh kế cộng đồng dựa vào rừng theo hướng thích ứng với BĐKH.
Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, sử dụng tri thức người dân địa phương trong phòng tránh thiên tai, tổng kết, đánh giá, triển khai, nhân rộng mô hình phòng tránh thiên tai dựa vào cộng đồng.
Phát triển các mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái dựa vào cộng đồng và thích ứng với BĐKH, trong đó ưu tiên bảo tồn nguồn gene quý, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng và các hệ sinh thái quan trọng, ứng dụng kiến thức của người dân địa phương trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bảo đảm sinh kế bền vững, ưu tiên cộng đồng dễ bị tổn thương.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình vệ sinh môi trường và nước sạch thích ứng với BĐKH cho cộng đồng và cơ sở y tế, xây dựng, nhân rộng các mô hình về dinh dưỡng, thực phẩm, bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tái tạo, sử dụng năng lượng sạch thích ứng với BĐKH cho cộng đồng và các cơ sở y tế.
Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, tri thức địa phương trong thích ứng BĐKH, tổng kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu tri thức địa phương về thích ứng và ứng phó với BĐKH; phổ biến tri thức địa phương trong cộng đồng, đặc biệt chú trong vai trò của nghệ nhân và xây dựng mô hình cộng đồng thích ứng với BĐKH.
Phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong giám sát, quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học.
Trên thực tế ,đã có những mô hình thích ứng thông minh, tại ĐBSCL mô hình thích ứng thông minh theo tự nhiên, chủ động thích ứng với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn đã được triển khai. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất ở ĐBSCL theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Nếu tính thiệt hại về riêng diện tích lúa đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn nặng nề năm 2015-2016.
Xin cám ơn ông!
Thùy Chi