Tin tức / Tin hoạt động
Cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris
Ngày đăng: 26/02/2020
Chiều 24/2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng Ban chỉ đạo đã chủ trì Cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (ảnh: Hoàng Ngân)

Tham dự cuộc họp có ông Weert Börner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo; ông Jasper Abramowski, Giám đốc quốc gia Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam; bà Anna Schreyogg, Cố vấn trưởng Dự án.

Dự cuộc họp có các thành viên Ban chỉ đạo gồm đại diện các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA), sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện tại Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 03/04/2019. Trên cơ sở đó, ngày 03/9/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 2241/QĐ-BTNMT phê duyệt Văn kiện Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris.
Dự án được thực hiện trong 4 năm (2019 - 2023) trên phạm vi cả nước với tổng nguồn vốn 10,3 triệu EUR. Cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ dự án là Cục Biến đổi khí hậu. Nhà tài trợ là Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức; Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) triển khai thực hiện. Cơ quan phối hợp tham gia thực hiện dự án gồm các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA) được thực hiện với mục tiêu nhằm tăng cường khung pháp lý và năng lực quốc gia để hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH), trọng tâm là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc họp (ảnh: Hoàng Ngân)

Phát biểu khai mạc cuộc họp, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chào mừng sự có mặt của các thành viên Ban chỉ đạo. Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, từ khi phê duyệt Văn kiện Dự án VN- SIPA đến nay, Nhóm công tác thực hiện Dự án đã tích cực phối hợp với GIZ và các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị các văn bản cần thiết, xây dựng kế hoạch tổng thể, các phương án triển khai thực hiện. Hôm nay là cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Dự án, trước tiên các bên đối tác, các cơ quan tham gia thực hiện Dự án ra mắt, giới thiệu để cùng hợp tác, chỉ đạo các hoạt động của Dự án từ nay cho đến năm 2023. “Các ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo tại cuộc họp này rất quan trọng, là định hướng cho các hoạt động trong suốt quá trình triển khai thực hiện Dự án trong thời gian tới” - Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Công Thành gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức đã hỗ trợ nguồn lực cho Dự án; cảm ơn Tổ chức  GIZ đã tích cực phối hợp với cùng với các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của tổ chức GIZ, các Bộ, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh để triển khai thực hiện thành công các nội dung của Dự án, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức khi quyết định hỗ trợ cho Dự án.

Ông Weert Börner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, ông Weert Börner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết: VN-SIPA là dự án hợp tác chung giữa Việt Nam và Đức trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris. Đây là dự án rất quan trọng, bởi nó giải quyết một vấn đề khó nhất, thách thức nhất trong thời đại ngày nay, đó là vấn đề BĐKH. Những tác động của BĐKH đã và đang tác động ngày càng rõ nét trên toàn thế giới. Do đó việc triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris rất cần thiết và cấp bách.
Tôi vui mừng thấy Dự án VN-SIPA đã đưa ra các hoạt động, chương trình liên quan đến BĐKH một cách tổng thể, đa ngành. Đối với Việt Nam chúng ta đang giải quyết những tác động hiện tại của BĐKH cũng như chuẩn bị trước cho những hệ quả trong tương lai. Đây là những vấn đề vô cùng quan trọng. Và để giải quyết những vấn đề tổn thương này, chúng ta cần thực hiện cả hai khía cạnh: Giảm nhẹ và Thích ứng. Dự án này là cột mốc quan trọng cho sự hợp tác của Đức tại Việt Nam về lĩnh vực BĐKH nói chung”- Ông Weert Börner nói.

Dự án VN- SIPA được tài trợ 10 triệu EURO thông qua Quỹ Sáng kiến Khí hậu Toàn cầu (IKI). Đây là sáng kiến về khí hậu quốc tế và là công cụ tài chính chủ đạo của Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức. Kể từ khi thành lập, sáng kiến IKI đã khởi động hơn 16 dự án song phương với Việt Nam và thêm vào đó là 63 dự án khác ở khu vực và toàn cầu có một số hợp phần thực hiện tại Việt Nam.

Đối với Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức cũng như Đại sứ quán Đức, VN-SIPA là một Dự án rất quan trọng trong sáng kiến IKI, bởi bên cạnh các hoạt động liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, nó còn là nền tảng giúp để thực hiện các vấn đề khác liên quan đến BĐKH. Dự án VN- SIPA phải có nhiệm vụ phối kết hợp với những dự án IKI khác và là đầu mối để liên lạc với các dự án IKI khác tại Việt Nam bao gồm 01 điều phối viên của Việt Nam cũng như các kênh truyền thông, kênh giao tiếp liên quan đến chính sách và các sáng kiến BĐKH tại Việt Nam.
Đức sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam về những hoạt động liên quan đến BĐKH tại Việt Nam. Chúng tôi vui mừng từ những đóng góp của Việt Nam trong việc chung tay thực hiện giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Môi trường Đức và Tổ chức GIZ. Chúng tôi cam kết chung tay cùng Việt Nam thực hiện chương trình này để Dự án thực hiện thành công tốt đẹp.” - Ông Weert Börner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam khẳng định.

Theo đó, Dự án gồm 05 hợp phần đầu ra: Hợp phần 1 - Tăng cường năng lực xây dựng, rà soát, cập nhật, triển khai NDC và Thỏa thuận Paris. Hợp phần 2 - Tăng cường khung pháp lý thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và lồng ghép NDC vào chiến lược ngành của các Bộ. Hợp phần 3 - Thực hiện thí điểm thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hợp phần 4 - Xây dựng một số hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA). Hợp phần 5 - Tăng cường điều phối các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu toàn cầu IKI.

Bà Anna Schreyogg, Cố vấn trưởng Dự án VN-SIPA phát biểu tại cuộc họp 

Tại cuộc họp, Cố vấn trưởng Dự án VN-SIPA, bà Anna Schreyogg cũng đã trình bày Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án trong năm 2020; Giám đốc quốc gia Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, ông Jasper Abramowski trình bày dự thảo Hướng dẫn quản lý chương trình, dự án hợp tác kỹ thuật Việt - Đức.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện các nội dung hoạt động chính của Dự án từ nay đến năm 2023; Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án trong năm 2020; Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; các vấn đề quản lý vận hành của dự án…
Về phía đơn vị chủ trì Dự án, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó trưởng Ban chỉ đạo ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cho các nội dung liên quan tới triển khai Dự án trong năm 2020 và trong suốt thời gian thực hiện Dự án bảo đảm sự thống nhất nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Ông Tăng Thế Cường cũng cho biết, đơn vị chủ trì sẽ hoàn thiện, trình ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo là cơ sở triển khai thực hiện, có phân công cụ thể tới các thành viên; đồng thời thông qua Thỏa thuận thực hiện Dự án và phê duyệt Kế hoạch thực hiện trong năm 2020.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ Đức và GIZ đối với vấn đề BĐKH ở Việt Nam. Đồng tình với ý kiến của ông Jasper Abramowski, Giám đốc quốc gia Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh tới việc bảo đảm thực hiện Dự án theo quy định của Chính phủ hai nước, đạt mục đích có sự hợp lực của cả hai bên để đạt được mục tiêu Dự án.
Thứ trưởng đề nghị trong quá trình triển khai, Nhóm công tác thực hiện Dự án cần tăng cường phối hợp và sự tham gia tích cực của hai địa phương là Hà Tĩnh và Quảng Bình; cung cấp kịp thời các tài liệu hướng dẫn triển khai Dự án; thống nhất chế độ tham vấn, báo cáo để triển khai Dự án một cách thông suốt, hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động./.

Các đại biểu tham dự cuộc họp chụp ảnh lưu niệm

CTTĐT

Các tin khác