Tham gia kỳ họp có Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu; ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu; ông Nguyễn Văn Tuệ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn; ông Nguyễn Khắc Hiếu nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu; đại diện các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải; các nhóm chuyên gia về giảm nhẹ, thích ứng, đồng lợi ích, giới và biến đổi khí hậu.
Quang cảnh phiên họp kỹ thuật
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong và các đối tác quốc tế thực hiện rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Đến nay, dự thảo số 1 Báo cáo kỹ thuật về rà soát và cập nhật NDC của Việt Nam đã được hoàn thành.
Trong phiên họp lần này, các nhóm chuyên gia cùng các Bộ ngành đã rà soát lại kịch bản phát thải thông thường BAU; các phương án giảm phát thải trong điều kiện quốc gia tự thực hiện và có hỗ trợ của quốc tế; tính toán nhu cầu chi phí cho các phương án giảm phát thải cho từng lĩnh vực trong khuôn khổ NDC của
Việt Nam. Bên cạnh đó, nội dung thích ứng biến đổi khí hậu cũng được rà soát cập nhật về các nội dung liên quan tới nỗ lực của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu, mục tiêu của NDC, đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu, nhu cầu về tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ và tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu; nội dung về theo dõi và đánh giá.
Tại cuộc họp, bà Irene Dankelman, chuyên gia quốc tế về giới và biến đổi khí hậu trình bày về một số khuyến nghị lồng ghép giới trong NDC rà soát, cập nhật của Việt Nam, trong đó đưa ra các khuyến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo tập huấn về Giới và NDC theo Thỏa thuận Paris vừa được tổ chức trong các ngày 12 - 13/8/2019 tại Hà Nội.
Về kết quả rà soát cập nhật NDC trong lĩnh vực rác thải, Bà Lưu Linh Hương - đại diện Bộ Xây dựng cho biết, bản rà soát cập nhật NDC đã lồng ghép một số hoạt động của Bộ Xây Dựng. Tuy nhiên cần làm rõ kết quả tính toán hiện nay được so sánh với dự án hay nghiên cứu nào liên quan tới giảm phát thải trong ngành xây dựng, vì vậy, đề nghị cần có cuộc họp riêng về các kết quả tính toán NDC nhằm đi đến thống nhất chung giữa các bên.
Đối với kết quả tính toán trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Lê Hoàng Anh - đại diện Bộ Nông nghiệp cho biết, kế hoạch của ngành nông nghiệp cũng như các ngành khác đều dừng ở năm 2020, trong khi việc dự báo cho 2030 có thể dẫn tới sự không chính xác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện nhiệm vụ rà soát các giải pháp xanh và thực hiện tại 8 tỉnh. Kết quả nhiệm vụ này có thể tham khảo để đưa ra các lựa chọn phù hợp cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều tiềm năng về đồng lợi ích, ví dụ như giải pháp nông lâm kết hợp.
Bà Phan Thị Thu Hằng - đại diện Bộ Y tế cho biết, ngành y tế hiện chưa có trong các lĩnh vực giảm phát thải trong bản NDC của Việt Nam. Thời gian tới, ngành sẽ chủ động đánh giá khả năng giảm phát thải khí nhà kính thuộc lĩnh vực của mình, trong đó có giảm phát khí thải trong việc đốt chất thải rắn y tế nguy hại.
Đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 8 rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, các ngành xây dựng và giao thông có thể lồng ghép trong lĩnh vực năng lượng. Việc giảm tiêu thụ năng lượng do thay thế điều hoà mới do các điều hoà cũ trong ngành y tế cũng được tính toán trong lĩnh vực năng lượng không phải trong ngành y tế. Liên quan tới vấn đề rác thải, UNFCCC chỉ quản lý các khí nhất định như CO2, CH4, N2O... rác thải nguy hại nằm trong khuôn khổ quản lý của Công ước khác.
Trong lĩnh vực GTVT, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - đại diện Bộ GTVT cho biết, giá trị tính toán giữa hai nhóm còn sự khác biệt như phương án giảm nhẹ chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng và vận chuyển hàng hoá.
Theo ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Bộ Công Thương, kết quả rà soát, cập nhật hiện nay trong lĩnh vực năng lượng, con số tổng có sự sai khác không nhiều. Phương pháp cách tính có sự khác biệt giữa mô hình TIMES
(mô hình tối ưu, tính toán chi phí và lợi ích đầu tư) Bộ Công Thương đang sử dụng để tính toán và phương pháp đang sử dụng trong rà soát, cập nhật NDC.
Sau khi nghe các ý kiến, Giáo sư Trần Thục đề nghị các nhóm tư vấn trao đổi với các Bộ, ngành để thống nhất về số liệu đầu vào và các giả thuyết để tính toán các phương án giảm phát thải trong NDC rà soát cập nhật của Việt Nam.
Phát biểu kết thúc Phiên họp Kỹ thuật lần thứ 8, Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn đưa ra lộ trình trình rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam từ nay cho tới khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép gửi UNFCC bản rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam và đề nghị các bên bám sát lộ trình, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ
Thủ tướng Chính phủ giao.
Chu Thanh Hương