Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Tăng cường hợp tác giữa Đức và Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 14/05/2022
Ngày 13/5, tại Hà Nội, đoàn đại biểu của Ban Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) thuộc Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu – CHLB Đức đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm thảo luận về các nội dung hợp tác phát triển mới liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tham dự buổi làm việc, về phía IKI có TS Philipp Behrens, Trưởng Ban IKI; ông Weert Boerner, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam; bà Mueller Lola Renée, đại diện Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng; các cán bộ, điều phối viên của IKI.

Về phía Bộ TN&MT có ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và đại diện một số đơn vị.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn điểm lại những nét nổi bật trong quan hệ hợp tác hai bên. Thông qua IKI, Chính phủ CHLB Đức đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Bộ TN&MT nói riêng triển khai nhiều hoạt động về ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; đặc biệt là trong xây dựng một loạt chính sách quan trọng, củng cố công tác quản lý Nhà nước về BĐKH. Bộ TN&MT đánh giá cao sự hỗ trợ này và kỳ vọng mối quan hệ hợp tác sẽ càng bền chặt, đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong tương lai.

Bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam, TS Philipp Behrens cho biết, Việt Nam và Đức đang cùng nhau đi trên con đường chuyển dịch năng lượng và hướng tới trung hòa các-bon vào năm 2050. IKI hiện đang đóng góp nhiều vào quá trình chuyển dịch năng lượng tại Đức và có sẵn những công cụ liên quan. Phía Đức sẽ thúc đẩy các hoạt động song phương, đa phương tại Việt Nam để hỗ trợ triển khai những giải pháp ưu tiên.

Ông Weert Boerner, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng cập nhật những chính sách khí hậu, năng lượng của Việt Nam và Đức; nhu cầu hỗ trợ của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP26), hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Theo ông Phạm Văn Tấn, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hành động ứng phó mang tính dài hạn của Việt Nam, cũng là căn cứ để tiến hành cập nhật NDC. Dự kiến, NDC cập nhật lần này sẽ nâng mức giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 của Việt Nam và sẽ được hoàn thành trước COP 27 cuối năm nay để kịp trình Ban thư ký Công ước khung về BĐKH. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam, với mong muốn đóng góp cho Thỏa thuận Paris.

Để tiếp tục triển khai các cam kết này, phía Việt Nam đề nghị IKI tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là trong việc hoàn thiện các hệ thống văn bản hướng dẫn kỹ thuật của các cấp các ngành về kiểm kê khí nhà kính. Sự tham gia của khối doanh nghiệp trong lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính rất quan trọng, nhưng việc đánh giá phát thải cấp cơ sở còn yếu, thiếu căn cứ để triển khai giảm phát thải bắt buộc. Vì vậy, cần tiến hành đánh giá một số khu vực, ngành nghề để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc.

Việt Nam cũng cần xây dựng các hệ số phát thải riêng, mang tính đặc thù quốc gia để có thể nâng hiệu quả kiểm kê. Đội ngũ cán bộ của các địa phương, doanh nghiệp cũng cần được đào tạo để sẵn sàng thực hiện công tác kiểm kê trên diện rộng, công tác giám sát kết quả đánh giá... Từ đó mới có thể tạo cơ sở phát triển thị trường các-bon theo đúng lộ trình.

Trong lĩnh vực thích ứng, Việt Nam đề nghị IKI có thể hỗ trợ triển khai đánh giá mức độ rủi ro với những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, BĐKH; thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia và các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, cộng đồng, đặc biệt là nhân rộng những mô hình hiệu quả của Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VNSIPA) trong khuôn khổ IKI. Dự án sẽ kết thúc vào tháng 3/2023, và phía Việt Nam rất mong muốn hai bên sẽ có những hoạt động tiếp nối ngay sau đó, xây dựng giai đoạn 2 của dự án với cách tiếp cận liên ngành và hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Toàn cảnh buổi làm việc

Về lĩnh vực đa dạng sinh học, Phó Cục trưởng Nguyễn Thành Vĩnh đề nghị IKI hỗ trợ triển khai những nội dung ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, chú trọng vấn đề quan trắc và kiểm kê đa dạng sinh học. Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc đánh giá tác động của BĐKH nhằm phân vùng nhạy cảm do BĐKH đến môi trường nói chung và đa dạng sinh học nói riêng.

Hai bên cũng thảo luận về triển vọng Việt Nam tham gia Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cập nhật thông tin về hỗ trợ của Đức theo yêu cầu gần đây của Chương trình Đối tác NDC; hỗ trợ của Ban Minh bạch khí hậu và tình hình dự án IKI Interface mới.

Theo ông Weert Boerner, phía Đức ghi nhận những ý kiến trao đổi trong buổi làm việc và khẳng định sẽ đồng hành với Bộ TN&MT để có hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các đối tác phát triển khác rà soát lại các chương trình hỗ trợ để tránh sự chồng chéo, hợp lực thúc đẩy toàn diện công tác ứng phó BĐKh tại Việt Nam.

Khánh Ly

Các tin khác