Tin tức / 
Việt Nam – Bangladesh: Trao đổi, chia sẻ về chính sách, kinh nghiệm về biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 22/11/2019
Sáng ngày 18/11, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bangladesh nhằm trao đổi, chia sẻ về chính sách, hành động, kinh nghiệm và sáng kiến đối với vấn đề biến đổi khí hậu của hai quốc gia.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam được giao giao quản lý 9 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực biến đổi khi hậu. Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu cả về thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Việt Nam chịu tác động bởi nhiều loại hình thiên tai và có nhiều khu vực chịu tác động mạnh do biến đổi khí hậu. Có thể kể đến Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực trồng lúa và cung cấp lúa lớn của thế giới, đang chịu tác động rất nặng nề từ biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2100 nếu mực nước biển dâng 1m thì khoảng 39% diện tích của khu vực này sẽ bị ngập. Bên cạnh đó, vùng duyên hải miền trung với đường bờ biển dài và vùng miền núi phía bắc cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như sụt lún, sạt lở đất...

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên phạm vi cả nước, Việt Nam có Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và kế hoạch hành động với tầm nhìn dài hạn. Việt Nam cũng đang xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia về biến đổi khí hậu. 

Toàn cảnh buổi làm việc

Liên quan đến cả vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm đạt được các cam kết nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Hiện nay, Việt Nam đang rà soát, cập nhật NDC bên cạnh hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ bổ sung một số nội dung khác như vấn đề đồng lợi ích, các khu vực dễ bị tổn thương và lồng ghép vấn đề giới...

Trong các hành động giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đặc biệt chú trọng vào vấn đề năng lượng, sẽ tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió... để có thể thực hiện các cam kết từ năm 2020. Cùng với đó, Việt Nam cũng có các hành động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF)... Ngoài ra, Việt Nam đã và đang triển khai các cơ chế hợp tác liên quan tới các định chế tài chính về biến đổi khí hậu như thực hiện các dự án theo các Cơ chế Phát triển sạch (CDM).

Về cơ chế chính sách, ông Tăng Thế Cường cho biết, biến đổi khí hậu đã được quy định trong các luật như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Khí tượng thủy văn. Trong thời gian tới, Cục đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về biến đổi khí hậu.

Đại diện đoàn công tác Bangladesh phát biểu tại buổi làm việc

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Shelin, đại diện Đoàn công tác Bangladesh cho biết, đối phó với các thách thức về biến đổi khí hậu, Bangladesh cũng đã có những chính sách, hành động về biến đổi khí hậu như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, các chính sách về biến đổi khí hậu, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu...

Chính phủ Bangladesh rất mong muốn được học hỏi các chính sách, kinh nghiệm về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang áp dụng vì Việt Nam và Bangladesh đã có mối quan hệ hợp tác thân thiết, lâu dài; đồng thời, hai quốc gia có những đặc điểm về phát triển kinh tế xã hội tương đồng và đều bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tới, hai bên đều thống nhất cần tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chính sách liên quan về biến đổi khí hậu giữa các cơ quan góp phần giúp hai nước đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thắt chặt mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

CTTĐT