Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 07/12/2018
Thời gian qua, sạt lở đất vùng ven biển, dọc sông, sụt lún đất, xâm nhập mặn... đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lo lắng của chính quyền cũng như người dân hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mà Đoàn công tác của QH do Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đến khảo sát thực tế. Để làm rõ hơn thực trạng biến đổi khí hậu, biện pháp ứng phó và xử lý lâu dài, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với TS. Trương Đức Trí Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trưởng.

Nguy cơ sạt lở, xâm nhập và ngập nước mặn tăng nhanh

- Qua chuyến khảo sát và làm việc của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác, với vai trò là thành viên Đoàn, ông đánh giá như thế nào về thực trạng biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau nói riêng?

- Là một trong số ít các đồng bằng lớn trên thế giới chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch. So với cả nước, đồng bằng sông Cửu Long phải chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, trong đó, hai tỉnh ven biển Cà Mau và Bạc Liêu đã, đang và tiếp tục chịu các tác động rõ rệt nhất.


Phó Cục trưởng Cục BĐKH Trương Đức Trí tham gia Đoàn công tác của Quốc hội thị sát khu vực thường xuyên bị xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau
 
Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016, nhiệt độ trung bình năm tại Bạc Liêu và Cà Mau đều cùng mức tăng. Cụ thể tăng khoảng 1,8 độ C ở kịch bản phát thải thấp và tăng 3,3 độ C ở kịch bản phát thải cao vào cuối thế kỷ XXI. Về lượng mưa hàng năm ở Bạc Liêu, xu thế tăng lớn hơn so với Cà Mau. Cụ thể tăng khoảng 15% ở kịch bản phát thải thấp và tăng đến 21% ở kịch bản phát thải cao vào cuối thế kỷ XXI, trong khi đó Cà Mau tăng khoảng 9,6% ở kịch bản phát thải thấp và tăng đến 12,6% ở kịch bản phát thải cao vào cuối thế kỷ XXI (so với thời kỳ 1986 - 2005). Về nguy cơ ngập, nếu mực nước biển dâng cao 1m, có khoảng 48,6% diện tích của Bạc Liêu bị ngập, tại Cà Mau nguy cơ ngập lớn hơn, khoảng 57,7% diện tích.

- Theo ông, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến khu vực, nhất là hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau?

- Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên nước, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái tự nhiên, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển; việc khai thác cát, sỏi quá mức đã làm gia tăng sạt lở trong thời gian qua. Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến các lĩnh vực, các khu vực của Bạc Liêu và Cà Mau, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản, gây xói lở bờ biển, mất đất đai, mất rừng ngập mặn, thay đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, nhất là cộng đồng dân cư ven biển.

Cần thay đổi tư duy, chuyển đổi sinh kế

- Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền các địa phương phải chuẩn bị phương án đối phó trước mắt và hướng xử lý lâu dài như thế nào, thưa ông?

- Trung ương đã quan tâm đặc biệt đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Cà Mau nói riêng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số chính sách quan trọng đã được ban hành như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (năm 2011), Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2013), Nghị quyết của UBTVQH về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (năm 2014). Gần đây nhất, vào cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở cấp địa phương, từng tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó xác định các giải pháp ứng phó theo từng giai đoạn. Thông qua Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, các dự án liên quan đến gây bồi, tạo bãi, trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển được triển khai. Đây là đai mềm chắn sóng biển và tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển. Hay việc đầu tư nâng cấp đê biển Tây và đê biển Đông nhằm hạn chế xâm nhập mặn, góp phần ổn định đời sống của người dân, tạo tuyến đường giao thông ven biển để kết nối các địa phương trong vùng. 

- Việc biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, sụt lún đất vừa gây tác động tiêu cực, vừa tạo ra những nguy cơ và thách thức lớn. Theo ông, phải thay đổi cách nhìn và tận dụng như thế nào để có thể hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực?

- Bên cạnh thách thức do biến đổi khí hậu, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, gia tăng dân số, phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong hay việc chặt phá rừng đầu nguồn, rừng nhập mặn ven biển cũng là những thách thức to lớn đối với các tình vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, cùng với việc nghiên cứu nguyên nhân, diễn biến và đề xuất các giải pháp tổng thể nhằm phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trước các thách thức nêu trên, cần tiếp tục đánh giá theo hướng phát triển nhưng không làm suy giảm hệ sinh thái, đa dạng sinh học và phù hợp với quy luật tự nhiên.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khả năng chuyển đổi từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nước mặt nhằm hạn chế sụt lún, nhiễm mặn. Từ sử dụng nước mặt tự nhiên sang việc chủ động tạo vùng trữ lũ dọc sông, kênh trục chính nhằm khắc phục tình trạng hạn hán vào mùa khô, điều hòa khí hậu, phát triển sinh kế, chuyển đổi sinh kế từ việc dựa vào hệ sinh thái nước ngọt sang hệ sinh thái nước mặn, lợ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bên cạnh đó, cần tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại đối với đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực bán đảo Cà Mau. Cụ thể là cần thay đổi tư duy phát triển và tìm ra mô hình mới, trong đó xác định nước lợ, nước mặn cũng chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế như nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản. Đồng thời, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đưa ra các giải pháp cụ thể là rất quan trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

PHẠM DUY thực hiện
Các tin khác